"Đặt mình là nhà đầu tư để xây dựng cơ chế đặc thù cho Hòa Lạc"

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng một cơ chế đặc thù với nhiều ưu đãi lớn nhằm thu hút các nhà đầu tư, nguồn nhân lực công nghệ cao vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thứ trưởng Phạm Đại Dương kỳ vọng Dự thảo cơ chế này sẽ tạo nên cú hích lớn cho việc đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Được thành lập năm 1998, tới nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa đáp ứng được được các mục tiêu đề ra đó là tạo điểm nhấn, thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao, phát triển và ươm tạo công nghệ cao của khu vực phía Bắc.

Nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã xây dựng Dự thảo về cơ chế chính sách đặc thù cho khu công nghệ cao này và đang lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan cũng như các tổ chức, cá nhân.

Chiều 17/11, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chia sẻ về vấn đề này.

- Thưa Thứ trưởng Phạm Đại Dương, xin ông chia sẻ về lý do phải ban hành một cơ chế đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Mục đích khi xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao.

Để các nhà đầu tư quyết định rót vốn, phải có những tiêu chí như cơ sở hạ tầng tốt; môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục thông thoáng và đầu tư ở địa bàn mà chi phí hoạt động thấp nhất.

Bám vào ba tiêu chí đó, chúng tôi thấy, đối với cơ sở hạ tầng thì đã được thực hiện bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và sẽ hoàn thành vào năm 2018. Như vậy, còn 2 điều kiện là cơ chế thông thoáng và chi phí đầu tư thấp.

Xuất phát từ điều đó, chúng tôi báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Phối cảnh tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. (Nguồn: MOST)

- Các nội dung chính trong cơ chế đặc thù nói trên là gì, thưa ông?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Có bốn nội dung chính trong cơ chế đặc thù này. Thứ nhất, nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay đang sử dụng ngân sách nhà nước và theo chủ trương sẽ mở rộng thêm các nguồn vốn của doanh nghiệp, các công ty phát triển hạ tầng. Theo kế hoạch, từ nay tới 2020 sẽ xây dựng trọn vẹn cơ sở hạ tầng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Nội dung thứ hai cần điều chỉnh là công tác quản lý của nhà nước. Vừa rồi, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư cùng các nghị định hướng dẫn đã có hiệu lực. Tuy nhiên, những nội dung điều chỉnh trong các luật, nghị định còn dàn trải ở nhiều mức độ khác nhau. Cơ chế đặc thù chúng tôi xây dựng sẽ quy định vào một cửa. Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc xin các Bộ, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân Hà Nội ủy quyền để thực hiện chức năng quản lý chung, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thứ ba là về ưu đãi và cho các nhà đầu tư trong khu công nghệ cao như về giá đất, thuế... Hiện nay, một số quy định trong các nghị định hướng dẫn của Luật Đất đai đưa ra ví dụ như các nhà đầu tư khi thực hiện dự án phải đóng phí giải phóng mặt bằng. Việc này đẩy chi phí của nhà đầu tư lên rất lớn. Chúng tôi xây dựng những cơ chế miễn, giảm đối với từng loại nhà đầu tư...

Về vấn đề thuế, cần có những chính sách miễn giảm cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để khuyến khích cho các dự án trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đổi mới công nghệ, cần đưa ra những mô hình, mức độ ưu đãi khác nhau. Ví dụ với những dự án có vốn đầu tư lớn, yêu cầu sử dụng quỹ đất thấp, thời gian ngắn thì được ưu đãi nhiều hơn các dự án có mức đầu tư nhỏ, nhu cầu sử dụng đất lớn...

Dự án Tòa nhà Công nghệ cao và Trung tâm lưu trữ dữ liệu của Tập đoàn Viettel tại Hòa Lạc. (Nguồn: MOST)

Thứ tư là cơ chế một cửa. Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang xin trình xây dựng văn phòng một cửa, đảm bảo nhà đầu tư thực hiện tất cả các thủ tục đầu tư, trong quá trình vận hành dự án được áp dụng cơ chế một cửa tại chỗ.

Hiện nay, trong khu công nghệ cao đã có hải quan, công an. Chúng tôi mong muốn tiếp tục có cơ quan thuế, môi trường để giải quyết nhanh gọn các thủ tục...


- Cơ chế đặc thù này liệu có giải quyết được tất cả các vướng mắc, khó khăn của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong nhiều năm qua?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được hình thành 17 năm, tuy nhiên thời gian trước khó khăn rơi vào việc giải phóng mặt bằng và đến nay đã được giải quyết xong. Hiện tại, khó khăn chính là việc tạo môi trường cho các nhà đầu tư.

Căn cứ yêu cầu thực tế, chúng tôi đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, xem khi họ quyết định đầu tư tại một địa điểm nào thì họ nghĩ gì, cần gì và từ đó xây dựng cơ chế để thu hút. Và đương nhiên, sự lựa chọn của nhà đầu tư phải là một nơi có vị trí thuận lợi, thị trường tốt, môi trường thông thoáng, có chính sách ưu đãi đặc thù...

- Dự thảo cơ chế chính sách đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có gặp khó khăn gì khi lấy ý kiến từ các bộ ngành hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Đại Dương: Cơ chế này nằm trong trần của luật pháp, nhưng quan điểm là có thu hồi vốn đầu tư trực tiếp ở thời điểm này, hay thông qua giá trị gia tăng mà các dự án về khoa học công nghệ đóng góp cho đất nước...

Tôi khẳng định chủ trương xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cho đất nước chứ không giống với các khu công nghiệp là cho thuê đất. Mong rằng các bộ, ngành đồng tình với quan điểm ấy để việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành công.

Chúng tôi cũng đã làm việc với một số bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và nhận được sự ủng hộ về tư tưởng. Tuy nhiên, một số nội dung cụ thể phải trao đổi thêm như một số ý kiến về thuế, tiền đất...

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục