Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc có tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD chính thức được khởi công sáng 26/6. Đây là dự án quan trọng để hình thành Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện đại, đồng bộ theo mô hình thành phố khoa học và công nghệ thông minh.
Sau 17 năm "thai nghén"
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nghiên cứu-phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
Theo quy hoạch, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có diện tích hơn 1.500 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, thành phố Hà Nội, với các khu chức năng: giáo dục và đào tạo, nghiên cứu-triển khai, phần mềm, công nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích khác.
Do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng cùng với việc điều chỉnh quy hoạch, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã không đáp ứng được yêu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Ngày 26/6, việc khởi công Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có thể coi là một cột mốc quan trọng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.
Thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được Nhật Bản hỗ trợ triển khai Điều chỉnh Quy hoạch chung, Nghiên cứu tiền khả thi và Nghiên cứu khả thi dự án.
Năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sử dụng vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Ngày 30/3/2012, Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Hiệp định vay lần 1 số VN-P8 trị giá 15,218 tỷ yen (YPY) cho giai đoạn xây dựng của dự án.
Theo kế hoạch, Hiệp định vay lần 2 sẽ được ký kết trong năm tài chính 2016 với tổng số vốn vay dự kiến khoảng 30 tỷ yen. Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018, sau 37 tháng thi công.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã hình thành và ra đời khá sớm với nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp và đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.... Vì vậy, việc hoàn thành dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2018 là điều kiện rất quan trọng để Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn với diện mạo mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các dự án thu hút vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải đúng tiêu chí, thực sự là các dự án khoa học công nghệ cao, thực sự nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ mới và đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ từ thực tiễn quản lý, rà soát các cơ chế, chính sách hiện có và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thích hợp, khuyến khích và thu hút mạnh đầu tư khoa học công nghệ vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, cả thu hút các nhà khoa học, các nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch theo mô hình một thành phố khoa học và công nghệ thông minh, thu hút các loại hình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong môi trường cạnh tranh nhằm kích thích phát triển các ngành công nghệ cao trong cả nước.
Các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên phát triển tại đây gồm: Công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ phần mềm; Công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản, y tế; Công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ-điện tử, quang điện tử và tự động hóa; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ nano; Công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ năng lượng mới... và một số ngành công nghệ đặc biệt khác.
Hình thành thành phố khoa học và công nghệ thông minh
Sau 17 năm thành lập, đến nay bóng dáng của một thành phố khoa học và công nghệ đang hình thành, quá trình xây dựng, phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Ông Phạm Đại Dương, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhấn mạnh Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhằm tạo dựng một hệ thống hạ tầng hiện đại phục vụ cho các hoạt động ươm tạo, nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao và sản xuất công nghệ cao, sớm đưa Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trở thành một đô thị khoa học công nghệ của đất nước.
Cũng theo ông Phạm Đại Dương, tính đến tháng 5/2015, có trên 10.000 người đang học tập và làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ban Quản lý Khu đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Quyết định giao đất cho gần 70 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 56.800 tỷ đồng trên diện tích đất 336ha. Các lĩnh vực được tập trung đầu tư gồm: Sản xuất và kinh doanh phần mềm; công nghệ thông tin; sinh học, y học; điện tử, tự động hóa, sản xuất thiết bị viễn thông. Hiện nay, 33/67 dự án đang hoạt động, 10 dự án trong quá trình xây dựng, 22 dự án đang hoàn thiện thủ tục để triển khai...
Trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện có Trường Đại học FPT đang hoạt động; Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Đại học Việt Nam-Nhật Bản đang trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST) theo mô hình Viện KIST (Hàn Quốc) đã được Chính phủ thành lập và sẽ xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với nguồn vốn hỗ trợ ODA khoảng 35 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc.
Ngoài ra, nhiều đơn vị nghiên cứu ở trong và ngoài nước đã và đang đầu tư xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc như Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu của Công ty Nissan Techno (Nhật Bản), Trung tâm Điều khiển vệ tinh nhỏ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Công nghệ cao về thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel…
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang tăng cường các hoạt động tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kết nối cung-cầu về công nghệ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước với mục tiêu đưa nơi này thành trung tâm trình diễn và chuyển giao công nghệ hàng đầu tại khu vực phía Bắc.
Các chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang được xây dựng, hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2015. Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa phát triển đạt mục tiêu mong muốn, nhưng năm 2014, tổng giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đạt 228 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 133 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 95 triệu USD.
Với việc triển khai và hoàn thành Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2018, đây sẽ là Khu Công nghệ cao hiện đại, có hạ tầng đồng bộ theo mô hình một thành phố khoa học và công nghệ thông minh, thực sự là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất tại Việt Nam.
Cùng với hệ thống cơ sở pháp lý hoàn thiện, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… giai đoạn khởi động cho việc xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về cơ bản đã hoàn thành.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang đồng thời triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển các dự án của giai đoạn tăng tốc và cất cánh... phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển thành trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao quốc gia theo như Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ đất nước./.