Đặt mục tiêu tăng trưởng 11%, Quảng Ninh tăng tốc ngay đầu năm

Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 để làm căn cứ triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ đã đề ra.
Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngay những ngày đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 để làm căn cứ triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ đã đề ra.

Quan điểm xuyên suốt của tỉnh là đảm bảo tăng trưởng trên 11% so với năm 2022.

Tỉnh xác định tám nội dung tập trung chỉ đạo, điều hành: tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; xây dựng chính quyền các cấp liêm chính, phục vụ, thực sự "của dân, do dân, vì dân," hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

[Quảng Ninh: Quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của TW]

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhấn mạnh năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với sự kiện chính trị kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, quan điểm của Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất đối với tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, tỉnh sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình được xác định gắn biển chào mừng cũng như hoàn thành số thu ngân sách nhà nước năm 2023, đảm bảo thu đúng, thu đủ, phục vụ cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội.

Cụ thể hóa chủ đề công tác năm "Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân," ngay trong tháng 1/2023, tỉnh đã làm việc với nhiều nhà đầu tư, như Liên đoàn doanh nghiệp Singapore để trao đổi nội dung phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Singapore lần thứ 7 tại Quảng Ninh; tham dự buổi gặp gỡ với 60 doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc); trao đổi làm việc với nhà đầu tư Hàn Quốc, Công ty Mastern Investment Management (Hàn Quốc)...

Trong tháng 1/2023, hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh đạt 4.773,5 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ năm 2022, trong đó điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 1 dự án FDI với số vốn là 194 triệu USD; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 1 dự án trong nước với số vốn là 117,5 tỷ đồng.

Trưởng Ban Quản lý các khu kinh tế Quảng Ninh, ông Hoàng Trung Kiên cho hay mục tiêu khả thi của năm 2023 là tỉnh sẽ sớm thu hút được 18 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Trong đó, có 16 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn tại 5 khu công nghiệp.

Các ngành kinh tế, nhất là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh đã nhanh chóng vào guồng sản xuất từ rất sớm.

Điển hình, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam ngày đầu tiên năm mới Quý Mão đã rót trên 41.000 tấn than cho tàu "xông cảng" đầu năm.

Tập đoàn phấn đấu năm 2023 sản xuất gần 40 triệu tấn than; than tiêu thụ 46,5 triệu tấn; doanh thu 168.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022.

Trong tháng 1/2023, ngành du lịch Quảng Ninh gặt hái nhiều kết quả khởi sắc nhờ có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn cùng việc đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông.

Bảo tàng, thư viện Quảng Ninh, điểm đến thu hút của du khách. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh trong tháng 1/2023 ước đạt 1,6 triệu lượt người, gấp 12,3 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 35,16% kịch bản tăng trưởng, trong đó khách quốc tế đạt 90.000 lượt.

Tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 3.520 tỷ đồng, gấp 15,4 lần cùng kỳ năm 2022, bằng 40,24% kịch bản tăng trưởng quý 1/2023.

Năm 2023 với nhiều lợi thế và sự "trở lại" của du khách quốc tế, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đón 14 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 27.000 tỷ đồng.

Tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh tăng 10,33% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng trong phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng là 8,99%; kế hoạch phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã tiếp tục khởi sắc, tháng 1 có 151 đơn vị thành lập mới, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 11% so với cùng kỳ; số lao động được giải quyết tại các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 470 người; có 240 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ngay từ đầu năm 2023, quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu các đơn vị, các cấp chính quyền tập trung triển khai công việc trên tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả; cần cụ thể hóa các Nghị quyết, chương trình hành động của từng đơn vị, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở... báo cáo về Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 10/2.

Trong các kế hoạch, chương trình hành động, tỉnh Quảng Ninh đều lồng ghép chỉ đạo, đưa ra những mục tiêu mới và phấn đấu triển khai có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao tính bền vững của nền kinh tế.

Tỉnh cũng đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành than.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Quảng Ninh kiên trì phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công-tư để đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược...

Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 bằng việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và quản lý chặt chẽ đầu tư công.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt 10,28%, đứng thứ 4 trong Vùng đồng bằng sông Hồng, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022), quy mô nền kinh tế ước đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục