Ngày 30/11, tại thành phố Móng Cái, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo."
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Trương Công Ngàn nhấn mạnh công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, những năm gần đây có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
Ở Quảng Ninh, Nghị quyết số 01-NQ/TU, Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã lựa chọn phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo làm mũi đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một trong ba trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh.
Tỉnh coi đây là chủ trương, quyết sách đúng đắn để tạo bứt phá, lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với sự phát triển trong nước và thế giới. Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh.
Quảng Ninh đã chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” (Khu công nghiệp-Khu đô thị-Khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt tạo môi trường làm việc, môi trường sống văn minh, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Cùng với những lợi thế sẵn có là hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, đặc biệt cửa khẩu song phương với Trung Quốc... đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận ba nhóm vấn đề lớn. Đó là làm rõ vai trò của công nghiệp chế biến chế tạo đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng; đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến chế tạo tại tỉnh, những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của hạn chế và những vấn đề đặt ra; trên cơ sở quan điểm, định hướng của Quảng Ninh và phân tích điểm mạnh, yếu, những cơ hội, thách thức đối với phát triển công nghiệp chế biến chế tạo thời gian tới, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển hiệu quả ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại tỉnh Quảng Ninh thời gian tới.
[Cuộc hành trình phát triển bứt phá, bền vững của Quảng Ninh năm 2022]
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho rằng vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm triển khai thể để sớm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 01-NQ/TU.
Sở đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và tận dụng được các ưu đãi, cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đã mang lại.
Một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi ích lớn trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ông Ngô Hiển Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Texhong Việt Nam cho hay trong quá trình hoạt động đầu tư, xây dựng và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đơn vị luôn chủ động làm cầu nối nêu đề xuất, kiến nghị, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thứ cấp trong Khu Công nghiệp Texhong Hải Hà, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và đã nhận được sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời của các cơ quan ban ngành chức năng.
Trong thời gian tới, chủ đầu tư hy vọng tỉnh Quảng Ninh có nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư hơn để có thể thu hút những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng vào Khu Công nghiệp cảng biển Hải Hà nói riêng cũng như các khu công nghiệp tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, nhờ đó giúp các khu công nghiệp đạt được mục tiêu trở thành khu công nghiệp chuyên ngành, chuyên sâu, hiện đại và có giá trị gia tăng cao.
Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 5 khu kinh tế (gồm 3 khu kinh tế cửa khẩu, 2 khu kinh tế ven biển) và 16 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 388.671ha, được quy hoạch, phân bố trên 11/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh.
Sau gần 2 năm triển khai theo tinh thần Nghị quyết 01, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt được nhiều kết quả khả quan, ngày càng khẳng định là một ngành quan trọng trong nền kinh tế và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh.
Đến nay, đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp thuộc 8 khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích 4.632,22ha.
Các dự án thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cơ bản đều nằm trong các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Địa bàn tỉnh có 12 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký là 1.072,06 triệu USD và 5 dự án vốn đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký là 7.183 tỷ đồng. Tỉnh đang điều chỉnh tăng vốn cho 6 lượt dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các dự án chế biến chế tạo điển hình được thu hút thuộc các ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất thiết bị điện, sản xuất máy móc...
Mặc dù đã đạt được kết quả thu hút đầu tư đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cũng bộc lộ một số hạn chế, thể hiện chủ yếu trên các mặt: Tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp chưa cao; năng lực cạnh tranh của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng Khu công nghiệp còn chậm…
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên cho rằng: Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Cụ thể là đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tích hợp phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp; lựa chọn và thúc đẩy phát triển một số khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng chuyên sâu, hiện đại hóa phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU.
Tỉnh đặt trọng tâm là phát triển và phát huy hiệu quả các khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên./.