Dấu ấn của Tướng Đồng Sỹ Nguyên trên đường Trường Sơn huyền thoại

Ông Đồng Sỹ Nguyên cùng các chiến sỹ Trường Sơn đưa ra đề xuất sáng tạo là cơ giới hóa bộ binh, tạo khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh, đè bẹp các cuộc tấn công của Mỹ.
Lễ tuyên thệ vượt cung đường lửa-Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm ATP. Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. (Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN)

Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi mùa Xuân năm 1975.

Làm nên huyền thoại đó có công sức, xương máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong, nhưng dấu ấn đậm nét là vai trò của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đánh giá trong số các tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đóng vai trò đặc biệt trên tuyến giao thông chiến lược này, khi lập nên kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn, đưa ra đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn với đủ các lực lượng gồm công binh, pháo cao xạ, thanh niên xung phong, vận tải cơ giới tạo trận đồ bát quái, cơ động, thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam.

Từ một con đường mòn vận chuyển bằng gùi thồ, mang vác mới chuyển sang vận tải bằng ôtô trước đó chưa lâu nhưng đến khi vị tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên vào, Trường Sơn phát triển thành một hệ thống đường vận tải quân sự hiện đại với nhiều trục dọc, trục ngang phức tạp có độ dài lên đến 17.000km; có đường ống xăng dầu đài 1.400km, đường giao liên và tải thương dài 1.200km.

[Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên]

Quân số lúc cao điểm ở đường Trường Sơn lên tới hơn 12 vạn binh sỹ. Hệ thống đường chiến lược này khi ông vào tiếp nhận mới có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm, đến năm 1975 đã phát triển với quy mô 2 sư đoàn vận tải với 10.000 xe. Đây cũng không còn là tuyến đường mòn bị ngăn chặn mà trở thành chiến trường chống ngăn chặn.

Quân đội Mỹ đã tìm mọi cách từ thô sơ đến hiện đại nhất để cắt đứt con đường vận tải chiến lược này nhưng tuyến đường vẫn hoạt động, Thiếu tướng Võ Sở nói.

Suốt dọc Trường Sơn trước năm 1967, thời điểm ông Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh, tuyến vận tải chi viện chiến lược bị lộ thiên, tạo điều kiện cho máy bay địch đuổi đánh đội hình xe mà không vấp phải sự chống trả nào. Hàng trăm xe bị đánh cháy rải rác khắp đường. Bộ đội trên tuyến có ý chí chiến đấu nhưng chưa hiểu biết kẻ địch, địa hình thời tiết, chưa được chuẩn bị cần thiết các mặt tư tưởng, chiến thuật, kỹ thuật.

Đoàn xe vận tải quân đội 559 đưa hàng hóa vào chiến trường, vượt qua trọng điểm Ngã 3 Đồng Lộc, Nghệ Tĩnh. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Tận mắt quan sát thế phòng ngự bị động, mọi diễn biến "địch đánh, ta sửa ta đi," ông thấy rằng thế này kém hiệu quả, hơn nữa sửa đường mất rất nhiều công sức do chỉ có một con đường mòn nên trong lúc chờ sửa chữa, tất cả xe cộ đều bị đình trệ, có khi cả tháng không chi viện được cho chiến trường.

Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại: "Sau khi cùng các lái xe thực địa từng tuyến đường, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên quyết định chuyển sang chủ động dùng kế nghi binh, ngụy trang. Mỹ đánh bom trọng điểm, công binh sẽ san lấp chuyển thành hố nghi binh ngụy trang khéo léo, thỉnh thoảng cho xe chạy qua để địch tiếp tục đánh phá.

Ông nói với chúng tôi, máy bay Mỹ làm chủ bầu trời nhưng ta làm chủ mặt đất. Mà ai làm chủ được mặt đất, làm chủ được chiến trường là người đó thắng. Chẳng hạn, muốn ném bom một mục tiêu nào đó, đối phương phải tiến hành trinh sát. Để đối phó với địch, ta ngụy trang nghi binh. Để phòng địch phá đường, ta sửa đường ta đi. Địch mở trọng điểm, ta tổ chức lưới lửa phòng không tập trung, đồng thời ta mở đường vòng, đường tránh ta đi. Để tránh bom đạn sát thương, ta làm hầm kiên cố để trú ẩn. Quan trọng là ta phải đánh giá đúng địch; nắm rõ âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động của địch, phải biết địch biết ta…"

"Mỹ bắn phá đường này, đội vận tải sẽ đi đường khác, cắt khu vực này đi khu vực khác. Sau chiến dịch đường 9 Nam Lào, Mỹ đã phải khẳng định 'thua Việt Nam rồi' và 'không thể nào chặn được các đoàn xe chi viện từ Bắc vào Nam," Thiếu tướng Võ Sở nói.

Đường Trường Sơn ra tiền tuyến trong những năm tháng bị máy bay Mỹ liên tiếp đánh phá. (Ảnh: Văn Sắc/TTXVN)

Nhắc đến dấu ấn tài ba, sáng tạo của Tư lệnh Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở nói rằng để giúp các chiến trường miền Nam nhanh chóng xoay chuyển tình thế, ông Đồng Sỹ Nguyên cùng các chiến sỹ Trường Sơn đưa ra đề xuất sáng tạo là cơ giới hóa bộ binh, tạo khả năng cơ động cao, sức đột kích mạnh, đè bẹp các cuộc tấn công của Mỹ.

Từ vận chuyển vật chất phục vụ chiến đấu, lực lượng vận tải Trường Sơn đã tiến lên cơ động các binh đoàn chủ lực, thần tốc vượt hàng nghìn km vào tham gia chiến dịch, đặc biệt là cuộc Tổng tấn công năm 1975. Khi tình huống xuất hiện, bộ đội Trường Sơn cũng trở thành lực lượng cơ động bộ binh chiến đấu tấn công vào sào huyệt kẻ thù.

Sự chuyển mình của Binh đoàn Trường Sơn khiến Mỹ điên cuồng ném bom chặn phá. Chúng đã ném hơn 8 triệu tấn bom trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng riêng Trường Sơn đã hứng chịu hơn 4 triệu tấn. Thế nhưng, bộ đội Trường Sơn cũng bắn rơi hơn 2.400 máy bay, bằng một nửa số máy bay Mỹ bị Việt Nam bắn rơi. Trường Sơn lúc này không chỉ đơn vị vận tải đơn thuần mà còn là chiến trường đánh địch trên cả 3 nước Đông Dương.

Trong 16 năm, toàn tuyến đường Trường Sơn đã vận chuyến hơn 1 triệu vật chất, vũ khí vào chiến trường, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

"Người đi đầu cho những thắng lợi này là Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên," Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục