Dấu ấn đặc biệt của Việt Nam tại Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử

Tại các sự kiện và cuộc họp song phương trong khuôn khổ Hội nghị COP28, Việt Nam đã nhiều lần được cộng đồng quốc tế coi là “hình mẫu” tốt trong chuyển đổi Xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong chương trình tham dự Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ khởi động sáng kiến “Đẩy nhanh chuyển đổi điện than.” (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trong chương trình tham dự Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Lễ khởi động sáng kiến “Đẩy nhanh chuyển đổi điện than.” (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Năm 2023 đã trở thành cột mốc đáng nhớ với Việt Nam khi đạt được nhiều kết quả quan trọng tại Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28).

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tác quốc tế trong khuôn khổ Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử, không chỉ giúp tăng cường hình ảnh của đất nước mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường về các kết quả Việt Nam đã đạt được và lộ trình triển khai trong thời gian tới.

Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu

- Đầu tiên, xin ông cho biết ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP28, diễn ra trong hơn 10 ngày tại Dubai?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Trước hết, Hội nghị COP28 với chủ đề “Gắn kết, hành động, hiệu quả” tổ chức tại Dubai, được coi là hội nghị khí hậu toàn cầu lớn nhất từ trước cho tới nay với hơn 97.000 đại biểu tham gia và có hơn 140 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ tham dự, phát biểu.

Tham gia COP28 là cơ hội để Việt Nam chia sẻ, làm rõ các cam kết, kinh nghiệm và thành tựu trong ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện được tầm vóc, vai trò, vị thế của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới.

Theo đó, tại COP28, Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến quốc tế. Đoàn Việt Nam đã triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, tiến hành nhiều hoạt động toàn diện, hiệu quả; tranh thủ tối đa dịp này để gặp gỡ, tiếp xúc nhiều đối tác quốc tế, qua đó thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước đồng thời góp phần thúc đẩy giải quyết các quan tâm và lợi ích của đất nước, cũng như tháo gỡ, xử lý một số thách thức, tồn tại.

Nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng chủ trì Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; có 15 cuộc tiếp xúc, trao đổi với các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các tổ chức hàng đầu quốc tế, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác ngoại giao, kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Ông có thể nói rõ hơn về các thông điệp, cam kết hành động cụ thể mà Đoàn Việt Nam đã đưa ra tại các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị COP28?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu trong khuôn khổ COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu quan trọng với thông điệp lớn là “Đoàn kết quốc tế, chung tay vì sự phát triển thịnh vượng của nhân loại,” trong đó thông điệp nêu rõ phương châm nói đi đôi với làm, thể hiện vị thế, vai trò chủ động, sáng tạo và tiếng nói tích cực của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

ong-tang-the-cuong-3209.jpeg
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng đã nêu 12 biện pháp lớn Việt Nam đã thực hiện từ sau COP26 đồng thời cũng nhấn mạnh cần đa dạng hóa huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp công và tư, trong và ngoài, song phương và đa phương; kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn ưu đãi, công nghệ cao, quản trị thông minh, thể chế phù hợp.

Từ đó, Thủ tướng kêu gọi các nước đang phát triển phải nỗ lực hơn nữa với tinh thần tự lực, tự cường, không ai làm tốt cho mình hơn chính mình; đề cao công bằng, công lý trong chống biến đổi khí hậu; nhấn mạnh cần đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phù hợp, hiệu quả cho mọi người dân, doanh nghiệp và quốc gia.

Việt Nam đã tham gia nhiều sáng kiến quan trọng, gồm: Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực có khả năng chống chịu và hành động khí hậu; cam kết làm mát toàn cầu; sáng kiến quốc tế “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris” và ủng hộ Tuyên bố cấp bộ trưởng về khí hậu và sức khỏe. Những sáng kiến, cam kết mà Việt Nam tham gia là cơ sở để đề xuất những giải pháp thiết thực, toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu và là tiền đề để cùng các quốc gia, đối tác khác giải quyết những thách thức toàn cầu và xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, việc tham gia chủ động, tích cực và chọn lọc các sáng kiến đa phương của nước chủ nhà và các đối tác lớn cũng là một cơ hội để Việt Nam thể hiện trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế. Kế hoạch huy động nguồn lực được công bố tại COP28 là dấu mốc mới trong nỗ lực của Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững. Sự hợp tác quốc tế và việc thực hiện cam kết của các đối tác sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Mở ra nhiều cơ hội mới trong việc hợp tác và chia sẻ

- Vậy Việt Nam đã đạt được những kết quả cụ thể gì thông qua việc tham dự các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị COP28, thưa ông?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại 2 sự kiện lớn là Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc về biến đổi khí hậu, đã được các đối tác quốc tế đánh giá rất cao.

Trong khuôn khổ COP28, Đoàn Việt Nam cũng đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện đa phương cấp cao như: Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP, Diễn đàn cấp cao Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, qua đó thúc đẩy hợp tác đa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng.

Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP xác định các dự án đầu tư ưu tiên trong chuyển đổi năng lượng công bằng, bao gồm: Các khuôn khổ phân tích và giám sát khía cạnh công bằng của quá trình chuyển đổi năng lượng với mục tiêu cuối cùng là "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình chuyển đổi Xanh.

Bên lề hội nghị, đoàn chúng ta đã tổ chức gần 30 hội thảo, sự kiện bên lề nhằm quảng bá những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và mở rộng hợp tác với các quốc gia, đối tác quốc tế. Các hoạt động tham gia của Việt Nam không chỉ giúp tăng cường hình ảnh quốc tế về đất nước mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Với quyết tâm và những kết quả nêu trên, các đối tác quốc tế đã đánh giá cũng như đưa ra các cam kết cụ thể đối với Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Tại các sự kiện và cuộc họp song phương, Việt Nam đã nhiều lần được nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

hoi-nghi-cop28-5323.jpg
Trong chương trình tham dự Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và UAE. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đáng chú ý, các nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi Xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, đã được cộng đồng quốc tế coi là “hình mẫu” tốt, mong Việt Nam tiếp tục phát huy và chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng ra thế giới.

Cộng đồng quốc tế cũng khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội bền vững, chuyển đổi Xanh, chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực thích ứng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cácbon thấp tại Việt Nam.

- Vậy trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai hợp tác cũng như sẽ có những hành động gì để hiện thực hóa các cam kết, sáng kiến trên?

Cục trưởng Tăng Thế Cường: Tới đây, các cơ quan liên quan sẽ triển khai thực hiện những kết quả của COP28, cũng như các sáng kiến đã tham gia.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ lồng ghép nội dung về làm mát bền vững theo Cam kết làm mát toàn cầu vào Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất được kiểm soát, chất gây hiệu ứng nhà kính. Các bộ, ngành, địa phương có liên quan sẽ triển khai Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực có khả năng chống chịu và hành động khí hậu; triển khai nội dung Tuyên bố cấp bộ trưởng về khí hậu và sức khỏe.

Với sáng kiến quốc tế “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris,” Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với đối tác Nhật Bản để triển khai các hoạt động cụ thể nhằm tăng cường năng lực và sự sẵn sàng của Việt Nam trong triển khai các cơ chế trao đổi tín chỉ cácbon, nhằm góp phần sớm tổ chức vận hành thị trường cácbon.

Đối với việc triển khai JETP, các Nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP cần phối hợp với Nhóm các đối tác quốc tế chuẩn bị các hoạt động triển khai JETP. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tích cực đàm phán, trao đổi với các đối tác quốc tế để tiếp nhận các khoản hỗ trợ đi vào các dự án cụ thể.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tôi cho rằng các kết quả đàm phán thành công tại COP28 là cơ sở giúp Việt Nam thúc đẩy việc xây dựng và triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cam kết mới về tài chính khí hậu sẽ là cú hích để Việt Nam dễ dàng tiếp cận các quỹ khí hậu, qua đó thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Cuối cùng, việc lần đầu tiên các bên thống nhất chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng chứng tỏ sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng công bằng, giúp củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục