Dấu hiệu tích cực trong các cuộc đàm phán tại Geneva 2

Sau 4 ngày bế tắc, đàm phán tại Geneva về Syria ngày 29/1 có chút khả quan hơn với "Thông cáo Geneva I."
Dấu hiệu tích cực trong các cuộc đàm phán tại Geneva 2 ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad trong phòng họp báo tại trụ sở của Liên hợp quốc ở Geneva. (Ảnh: Tố Uyên/Vietnam+)

Trong cuộc họp báo tối 29/1 tại văn phòng thông tin Liên hợp quốc ở Geneva, đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi miêu tả các cuộc đàm phán hòa bình đang dần phá vỡ những "tảng băng," song khó có thể đạt được "kết quả thực chất" trong vòng đàm phán đầu tiên dự kiến kết thúc vào ngày 31/1.

Sau 4 ngày bế tắc, đàm phán tại Geneva về Syria ngày 29/1 có chút khả quan hơn khi phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập đã nhất trí sử dụng một tài liệu làm cơ sở thảo luận là "Thông cáo Geneva I" đã được thống nhất tại hội nghị quốc tế trước đây cũng tại Geneva hồi tháng 6/2012.

Tuy nhiên, cách giải thích của hai bên vẫn có nhiều điểm khác nhau.

Theo đoàn đại biểu của chính phủ Syria, các cuộc đàm phán "tích cực" hơn khi bắt đầu đi vào bàn thảo về thông cáo Geneva, trong đó nhấn mạnh tới việc tập trung vào chấm dứt bạo lực và "ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố."

Trong khi đó, phe đối lập cho rằng các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva đã tiến một bước về phía trước với các cuộc thảo luận về một chính phủ chuyển tiếp và "đây là lần đầu tiên bàn về khuôn khổ chung cho các cơ quan quản lý chuyển tiếp, song vẫn chưa thực sự được thảo luận chi tiết."

Ông Brahimi cho biết Mỹ có quan hệ tốt với phe đối lập còn Nga có mối quan hệ tốt với chính phủ, "họ nói chuyện với nhau và với tôi, họ sử dụng khả năng của mình để thuyết phục các bên giúp cuộc đàm phán tại Geneva dễ dàng hơn."

Trong phiên sáng 29/1, đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi đã có cuộc họp chung với hai phái đoàn và đến phiên chiều nhà hòa giải quốc tế gặp riêng từng bên. Ông Brahimi nhấn mạnh việc các bên nói chuyện lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột nổ ra tháng 3/2011 đã là một bước tiến quan trọng.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa phái đoàn của chính phủ Syria và phe đối lập vẫn còn "khá lớn," hai bên sẽ quyết định vào ngày thứ Sáu tới (31/1) thời điểm bước vào giai đoạn hai của cuộc đàm phán, có thể tạm nghỉ một tuần và bắt đầu đàm phán trở lại khoảng một tuần sau đó.

Trong khi đó, nữ Phát ngôn viên của Ủy ban điều phối địa phương Syria (LCCSyria) Rafif Jouejati cho biết phe đối lập Syria có kế hoạch tiến hành các cuộc hội đàm với phía Nga, một đồng minh lâu đời của chính quyền Damascus.

Tuy nhiên, bà Rafif Jouejati cho hay phe đối lập chưa xác nhận ngày tổ chức các cuộc hội đàm trên.

Theo AFP và Reuters, ngày 29/1, Hãng tin RIA dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết các chuyên gia Nga và Mỹ đã nhất trí tăng cường sức ép lên các phái đoàn của chính phủ Syria và phe đối lập nhằm đạt được một thỏa hiệp tại các cuộc đàm phán tại Geneva.

Nguồn tin trên cho hay: “Chúng tôi đã nhất trí rằng trước hết cần phải tăng cường phối hợp và gia tăng áp lực để các bên (đàm phán tại Geneva) cộng tác tích cực hơn cũng như tìm kiếm một thỏa hiệp.”

Xung quanh nguồn tin này, ông Brahimi thừa nhận có sự liên lạc giữa Nga, Mỹ và một số nước khác với hy vọng sử dụng ảnh hưởng của họ đối với các bên nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình.

Cùng ngày, phát biểu tại Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ, Giám đốc Tình báo quốc gia James Clappter cho rằng chính quyền Syria đã nhất trí giải giáp kho vũ khí hóa học, song hiện vẫn có khả năng sản xuất vũ khí sinh học.

Ông James Clappter nói: “Chúng tôi nhận định rằng một số nguyên tố trong chương trình chiến tranh sinh học của Syria có thể đã đạt được tiến bộ vượt qua giai đoạn nghiên cứu và phát triển, đồng thời có khả năng sản xuất với số lượng hạn chế”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.