Theo trang mạng eurasiareview.com, sau nhiều vòng đàm phán kéo dài, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 khi Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore thực hiện đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên.
Việt Nam bắt đầu cắt giảm thuế quan vào ngày 14/1/2019 và dự kiến theo sau là 4 thành viên khác. 11 nền kinh tế thành viên CPTPP chiếm khoảng 14% nền kinh tế toàn cầu.
Việc CPTPP có hiệu lực là một bước đi đúng hướng trong bối cảnh môi trường chính sách thương mại hiện nay khó đoán định. Thỏa thuận thương mại này giúp duy trì và thúc đẩy động lực của quá trình tự do hóa thương mại khi chủ nghĩa đa phương theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bị cản trở.
CPTPP thiết lập các luật lệ thương mại tiến bộ và chấp nhận được liên quan mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng, đồng thời giúp phát triển hơn nữa thị trường sống động khắp châu Á, châu Mỹ và Thái Bình Dương.
Lo lắng sai lầm về CPTPP
CPTPP làm được những điều trên bằng cách yêu cầu các nước thành viên thực hiện mức cắt giảm thuế chưa từng có tiền lệ, mở cửa các lĩnh vực dịch vụ và cơ chế đầu tư, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và phối hợp chính sách rộng lớn.
Ngoài ra, CPTPP dành một chương riêng về doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tìm cách hỗ trợ những doanh nghiệp này, vốn chưa tham gia nhiều vào thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh mới do CPTPP tạo ra.
[Hiệp định CPTPP sẽ tác động ra sao đến ngành công nghiệp dệt may?]
Thỏa thuận thương mại này cũng thúc đẩy các nguyên tắc tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, tính minh bạch và chống tham nhũng, để nâng cao công bằng xã hội và nguyên tắc pháp trị trong các thành viên.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại tỏ ra hoài nghi về những lợi ích mà thỏa thuận lịch sử này đem lại. Có ý kiến cho rằng CPTPP mà không có sự tham gia của Mỹ là vô nghĩa. Lập luận này mang tính lôi kéo khi nói rằng riêng Mỹ chiếm khoảng 60% GDP của TPP ban đầu, tiền thân của CPTPP không có Mỹ. Tuy nhiên, lập luận này không đúng.
Các phân tích sử dụng mô hình cân bằng tổng thể trên phần mềm máy tính hiện đại cho thấy GDP hàng năm đối với các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Việt Nam sẽ tăng hơn 1,5% trong ngắn hạn khi thực hiện CPTPP.
Rõ ràng, lợi ích hữu hình từ CPTPP không hề “nhỏ bé” như một số người nghĩ.
Về mặt chính trị, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận thậm chí lại là điều may mắn đối với các thành viên còn lại với 2 lý do.
Thứ nhất, khối thị trường TPP từng do Mỹ nắm vai trò chủ đạo giờ không có Mỹ thì sẽ chuyển thành một thỏa thuận mang tính chất dân chủ và công bằng hơn, trong đó vai trò lãnh đạo tập thể chiếm ưu thế.
Thứ hai, việc Mỹ rút lui giúp xóa bỏ một số mối đe dọa cố hữu tồn tại trong việc sử dụng ngôn từ về quyền sở hữu trí tuệ và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, mà nếu có Mỹ tham gia thì việc sử dụng ngôn từ này sẽ trở thành vấn đề gây tranh cãi.
Một lập luận nữa cho rằng CPTPP không hiệu quả liên quan tới những hạn chế về “không gian chính sách." Mặc dù đúng là các nhà hoạch định chính sách cần được phép triển khai các chính sách phù hợp với tình hình của từng nước thành viên, song sự phối hợp chính sách ở mức độ nhất định giữa một nhóm các nước có cùng phương hướng, trong trường hợp này là các thành viên của CPTPP, có thể đem lại lợi ích tốt đẹp cho khu vực.
Sự phối hợp này khuyến khích bổ sung những khiếm khuyến chính sách xuyên quốc gia, giảm thiểu những tác động tiêu cực của yếu tố bên ngoài, đồng thời củng cố chương trình nghị sự ủng hộ hội nhập, dựa trên luật lệ và mang tính chất tự do rộng lớn hơn.
Mở rộng CPTPP
Khi CPTPP “thức tỉnh” và “đi vào cuộc sống," có những mối quan tâm về việc mở rộng khối này. Cuộc họp khai mạc hội đồng bộ trưởng CPTPP ở Tokyo hôm 19/1 vừa qua là nhằm thảo luận khả năng kết nạp thành viên mới cũng như tiến trình kết nạp thành viên mới. Hiện nay, quốc gia mong muốn tham gia vào cơ chế này nhất là Colombia - nước đã tìm kiếm cơ chế thành viên của CPTPP từ hồi tháng 6/2018.
Ở châu Á, Hàn Quốc và Thái Lan đã thể hiện mối quan tâm đối với CPTPP song cả hai chưa chính thức lên tiếng. Seoul hiện còn ôm mối quan ngại về thâm hụt thương mại song phương với Tokyo, còn Bangkok lại quyết định để việc này cho chính quyền mới được hình thành sau cuộc bầu cử vào năm 2019.
Indonesia và Philippines cũng được cho là muốn tham gia cơ chế thương mại này. Tuy nhiên, giống Thái Lan, hai nước này sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019 và vẫn chờ đợi xem liệu chính quyền mới có muốn biến mong muốn trên thành hiện thực hay không.
Một ứng cử viên thú vị khác song hết sức nghiêm túc là Anh mặc dù việc trở thành thành viên chính thức chưa thể thực hiện được cho đến khi London rút ra khỏi Chính sách Thương mại Chung của Liên minh châu Âu. Việc kết nạp nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào CPTPP sẽ tạo ra cú hích to lớn đối với tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của khối thương mại này. Còn đối với London, việc trao đổi thương mại gần gũi hơn với các nền kinh tế phát triển nhanh ở Thái Bình Dương sẽ giúp giảm thiểu cú sốc từ Brexit.
Cần thành lập Ban thư ký CPTPP
Khi tính đến viễn cảnh CPTPP sẽ mở rộng thành viên, việc thiết lập một ban thư ký thường trực của CPTPP sẽ là một chương trình nghị sự quan trọng của các thành viên. Một ban thư ký như vậy sẽ giúp ích trong việc xử lý và hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật và tham vấn cho những nước muốn tham gia CPTPP trước và trong quá trình kết nạp.
Có thể cân nhắc 3 vị trí để lập cơ quan thư ký này là New Zealand, Singapore và Nhật Bản. New Zealand lâu nay là nước điều phối trên thực tế các vấn đề về hành chính và thể chế. Singapore lại có nhiều lợi thế về vị trí địa lý trung tâm hơn để kết nối với các thành viên. Trong khi đó, Nhật Bản lâu nay được coi là “mỏ neo” của CPTPP./.