Chuyên gia Nhật: CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương Việt Nam

Giáo sư Koichi Ishikawa cho biết tỷ lệ tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam được dự đoán cao nhất, ở mức 30,1% và đầu tư nước ngoài được dự đoán tăng 14,4%.
Chuyên gia Nhật: CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngoại thương Việt Nam ảnh 1May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt /TTXVN)

Ngày 19/1, Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã họp phiên đầu tiên tại Tokyo, Nhật Bản với việc thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP.

Cuộc họp diễn ra chỉ vài ngày sau khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam (ngày 14/1).

Nhân dịp này, giáo sư Koichi Ishikawa, Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học châu Á, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nhật Bản về triển vọng tăng trưởng cũng như tác động của hiệp định đối với các nền kinh tế thành viên CPTPP nói chung và với Việt Nam nói riêng.

[Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, lâu dài]

Ông Ishikawa cho biết các chuyên gia Mỹ dự đoán đến năm 2030, ngoại thương của 11 nền kinh tế tham gia CPTPP sẽ tăng 11,5%, trong khi vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,5%. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng ngoại thương của Việt Nam được dự đoán cao nhất, ở mức 30,1% và đầu tư nước ngoài được dự đoán tăng 14,4%.

Ông bày tỏ tin tưởng chắc chắn về triển vọng tăng trưởng đầu tư và ngoại thương của các nước CPTPP, mặc dù việc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, đã khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm bớt.

Theo giáo sư Ishikawa, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của CPTPP ở mức 1,4%, trong đó tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6%. Hiện tổng GDP của CPTPP là trên 10.000 tỷ USD, gần tương đương với Trung Quốc; kim ngạch nhập khẩu là 2.330 tỷ USD, vượt qua cả Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Dự đoán, CPTPP sẽ tăng số nước thành viên và do vậy quy mô của hiệp định này sẽ còn lớn hơn nữa.

Liên quan vấn đề các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương đạt được giữa các nước tham gia CPTPP, chuyên gia Nhật Bản nhận định rằng các FTA song phương này không thể là trở ngại của CPTPP.

Ông nêu ví dụ giữa Việt Nam và Nhật Bản có 3 FTA gồm FTA Việt Nam- Nhật Bản, FTA Nhật Bản-ASEAN và CPTPP.

Tuy nhiên, các FTA này vốn có sự khác biệt về danh mục hàng hóa được tự do hóa, tỷ lệ tự do hóa, chương trình tự do hóa, quy tắc xuất xứ sản phẩm.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ khai thác FTA nào mang lại lợi ích nhất, phụ thuộc vào danh mục hàng hóa ngoại thương, hình thức ngoại thương hoặc chuỗi cung cấp của doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ thực hiện.

Do vậy, các FTA được doanh nghiệp khai thác sẽ khác nhau.

Đề cập triển vọng của CPTPP khi hiện nhiều nước bày tỏ ý định tham gia hiệp định, ông Ishikawa tin tưởng CPTPP có thể tạo ra một định chế tự do thương mại đa phương có sức mạnh và tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Với nhận định số lượng thành viên tham gia CPTPP sẽ tăng lên trong tương lai, chuyên gia Nhật Bản cho rằng sự phát triển này sẽ mang ý nghĩa quan trọng.

Đầu tiên, sự phát triển của CPTPP sẽ đem lại thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng lan rộng.

Điều thứ hai, CPTPP càng phát triển, tỷ lệ tăng trưởng đầu tư và ngoại thương càng tăng lên, hiệu quả kinh tế sẽ rất lớn.

Điều thứ ba là các doanh nghiệp tại các nước không tham gia CPTPP sẽ gặp bất lợi do bị ảnh hưởng từ tác động chệch hướng thương mại.

Theo ông, các quy định do CPTPP khởi xướng có thể trở thành quy định cho thế giới như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Khi được hỏi những lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ gặp thuận lợi hoặc vẫn còn vướng mắc khi thực thi CPTPP, ông Ishikawa cho rằng những lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam được dự đoán tăng trưởng là dệt may, giày dép, các sản phẩm công nghiệp cần nhiều lao động, nông thủy sản , thực phẩm…

CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đến những quốc gia không có FTA song phương với Việt Nam, như Canada, Mexico, Peru…

Kể cả đối với những quốc gia ký FTA song phương với Việt Nam, CTPP giúp mở rộng tự do hóa thương mại, vì vậy sẽ tạo ra tăng trưởng xuất khẩu đến những quốc gia này.

Tuy nhiên, theo ông Ishikawa, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện CPTPP vì Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc lớn vào máy móc thiết bị nhập khẩu do ngành này vẫn chưa phát triển.

Theo kết quả điều tra năm 2018 do Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản JETRO phối hợp thực hiện với các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, có tới 58,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời khó khăn về phát triển nguyên liệu và phụ tùng, linh kiện tại địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.