‘Muốn hóa rồng, hóa hổ trước tiên phải duy trì tốc độ tăng trưởng’

Theo Trưởng ban Kinh tế TW Nguyễn Văn Bình, Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại của nền kinh tế, muốn “hóa rồng, hóa hổ” thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định.
‘Muốn hóa rồng, hóa hổ trước tiên phải duy trì tốc độ tăng trưởng’ ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019. (Ảnh: Vietnam+)

Kinh tế Việt Nam có một năm thành công đáng ghi nhận, lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% và nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng “khi đứng trên thành công là lúc cần phải tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới.”

Do đó, ông Bình cho rằng, bên cạnh ghi nhận những thành tựu, Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Một quốc gia muốn “hóa rồng, hóa hổ” thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Làm rõ chiến lược thu hút vốn FDI

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phân tích, Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách. 

Vì vậy, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Văn Bình đã thẳng thắn chỉ ra các thách thức cần phải được làm rõ.

Với hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực vào ngày 14/1, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, mở rộng cánh cửa ra hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 quốc gia thuộc nhóm G20.

Mặc dù, đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài với vai trò cửa ngõ quan trọng do tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Song, cơ hội luôn song hành cùng thách thức.

Ông Bình nhấn mạnh, “với nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp. Và, khi các FTA tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.”

Đứng trước thách thức đó, ông Bình cho rằng, ở thời điểm này, Việt Nam cần khẩn trương làm rõ chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp - FDI trong thời gian tới đồng thời tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để có thể kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị, sản xuất toàn cầu và cùng khai thác được các lợi thế của các FTA thế hệ mới.

‘Muốn hóa rồng, hóa hổ trước tiên phải duy trì tốc độ tăng trưởng’ ảnh 2Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. (Ảnh: Vietnam+)


Cơ hội trong kinh tế số

Tuy nhiên, một chiến lược phát triển kinh tế đất nước không thể tách khỏi với xu thế “kinh tế số” đang khuynh đảo toàn cầu.

Báo cáo “Tương lai số của chúng ta” do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 10/2018, đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu. Nhưng cùng với đó, khoảng cách giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực, giữa xã hội số và xã hội thực đang dần xóa nhòa.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, đây là cơ hội của Việt Nam, do bởi tất cả các quốc gia đều cùng một vạch xuất phát.

“Trong thời đại công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, những rào cản công nghệ truyền thống không còn là khoảng cách lớn nữa, cơ hội được chia đều và mọi quốc gia đều có thể vươn lên bứt phá. Và, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả những cơ hội mà nền kinh tế số đem lại để không bỏ lỡ chuyến tàu công nghiệp 4.0, đưa nền kinh tế số thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới.”

Về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng chỉ ra những lợi thế của Việt Nam khi chuyển đổi sang công nghệ số, “thời gian qua, nền kinh tế số của Việt Nam cơ bản là tự phát triển, tuy nhiên đã có sự phát triển nhanh do nhờ có hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin khá tốt, phủ sóng rộng cao và lực dân số trẻ, tham gia và thích sử dụng công nghệ cao nhất trong khu vực.”

Song, Bộ trưởng cũng nhận định trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang đi chậm nhất về kinh tế số, như Thái Lan thậm chí đã đổi tên Bộ Công nghệ Viễn thông thành Bộ Kinh tế số. Tại thời điểm này, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam cần có sự chỉ đạo và dẫn dắt trực tiếp từ Chính phủ với một chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và kinh tế số.

Để thích ứng hơn với xu thế công nghệ số đang phát triển không ngừng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị những giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế, “các quốc gia phát triển thường áp dụng mô hình Standbox, vấn đề gì chưa biết quản lý thế nào thì cho tự phát triển trong một không gian và thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng sau đó mới hình thành các quy định về quản lý. Đây là cách tiếp cận phù hợp của cuộc cách mạng 4.0, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, các sáng tạo mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ.”

‘Muốn hóa rồng, hóa hổ trước tiên phải duy trì tốc độ tăng trưởng’ ảnh 3Phiên thảo luận tại Hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam.” (Ảnh: Vietnam+)

Rõ ràng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra các thách thức đòi hỏi Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp và mọi công dân cần có những đổi mới thật mạnh mẽ.

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng “Chính sách Công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Trong khuôn khổ Diễn đàn này, các đại biểu cũng cùng tập trung đánh giá xu hướng phát triển và tác động của trí tuệ nhân tạo lên nền kinh tế thế giới, tác động đến các nhóm ngành kinh tế, thực trạng, mức độ sẵn sàng cho việc đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo, qua đó đưa ra các giải pháp đột phá có tính thực tế áp dụng từ kinh nghiệm quốc tế.

Đây là lần thứ ba, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên được tổ chức và là sáng kiến, ý tưởng của Ban Kinh tế Trung ương. Trải qua các kỳ tổ chức, Diễn đàn ngày càng mở rộng về quy mô, nâng tầm về chất lượng và từng bước mang tầm quốc tế. Đến nay, Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, tập hợp được trí tuệ của chuyên gia trong và ngoài nước trong việc hoạch định chiếu lược phát triển đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.