Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ năm 2017, nhằm lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trực tiếp từ lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ về những thuận lợi, kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, khó khăn, qua đó đề xuất giải pháp phát triển khoa học và công nghệ của địa phương năm 2017 và những năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh kết quả trong hoạt động khoa học và công nghệ cả nước thời gian qua có nhiều kết quả ấn tượng.
Trong lĩnh vực nào cũng có bóng dáng của khoa học và công nghệ, khoa học và công nghệ đã góp phần quan trọng đưa một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đứng top đầu trên thế giới về xuất khẩu như cà phê, cao cao...
Nhưng hoạt động khoa học và công nghệ địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi một số Nghị định, Thông tư. Trong thẩm quyền của mình, Bộ sẽ cùng với địa phương để ban hành những văn bản pháp quy phù hợp để khoa học và công nghệ có những đóng góp cho phát triển đất nước.
Hiện đầu tư cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2% chi ngân sách, theo đó tuỳ thực tế mỗi tỉnh mà đầu tư khác nhau như Lai Châu khoảng 8,1 tỷ đồng, Hà Giang, Bắc Kạn khoảng 11 tỷ đồng, Đắc Nông, Lạng Sơn khoảng 13 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 430 tỷ đồng, Hà Nội khoảng 350 tỷ đồng...
Sở Khoa học và Công nghệ từng tỉnh phải dùng tiền và người để giải quyết những công việc cụ thể của địa phương một cách hiệu quả nhất, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, Chương trình nông thôn miền núi và Chương trình 68 là hai chương trình đã hỗ trợ tốt và có nhiều ảnh hưởng đến địa phương.
Nhiều đại biểu đề xuất Bộ cần sớm có những điều chỉnh, sửa đổi về hoạt động Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia; vướng mắc trong cổ phần hóa các Trung tâm ứng dụng; Chương trình năng suất chất lượng…
Trong đầu tư tăng cường tiềm lực, Hội nghị đã nhận được một số ý kiến thảo luận tập trung vào xây dựng bộ tiêu chí và có hướng dẫn để phân bổ kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, trong đó xác định cụ thể lĩnh vực khoa học và công nghệ, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ đúng và hiệu quả...
Ông Cao Văn Be, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ An Giang cho rằng cần mở rộng, quy mô 200ha và bổ sung vào Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ông Lê văn Cựu, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phú Yên kiến nghị cần hỗ trợ xây dựng Khu nông nghiệp áp dụng công nghệ cao Phú Yên, trước mắt là xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, nguồn nhân lực để áp dụng các công nghệ cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động khoa học và công nghệ địa phương, đặc biệt nhiều địa phương đã thể hiện tính chủ động, đi đầu giải quyết các vướng mắc liên quan đến khoa học và công nghệ.
[Gắn kết khoa học và công nghệ với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội]
Bộ trưởng cho rằng, các lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ ở địa phương đã vượt qua khó khăn thể hiện vai trò tham mưu khi nhiều nghị quyết, chương trình của tỉnh đã có bóng dáng, vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định thành công của hoạt động khoa học và công nghệ địa phương cũng là của Bộ, của ngành khoa học công nghệ và ngược lại. Theo đó, những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình xem xét sửa đổi các Luật có liên quan đến khoa học và công nghệ do Bộ chủ trì. Bên cạnh đó, chú trọng việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các Luật khác có nội dung tác động đến hoạt động khoa học và công nghệ để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống Luật./.