Đầu tư dự án trên mặt khu vực dự trữ khoáng sản: Đã đủ cơ sở pháp lý

Với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP, các địa phương đã có đủ cơ sở pháp lý để xem xét khi triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia.
Mũi Yến thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một điểm đến hoàn toàn hoang sơ và mới lạ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Mũi Yến thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là một điểm đến hoàn toàn hoang sơ và mới lạ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh cho biết tính đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định được 48 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trong đó có nhiều khu vực có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, khi xem xét chủ trương đầu tư các dự án trên mặt, nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn do chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

Trước yêu cầu thực tế nêu trên, ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký, qua đó tạo điều kiện để xem xét triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia theo quy định.

Lợi thế ở vùng dự trữ khoáng sản quốc gia

Thông tin thêm với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về nội dung trên, ông Thanh cho biết trên cơ sở kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và nhu cầu khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,” Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 645/QĐ-TTg phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Theo đó, tính đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định 48 khu vực cho 10 loại khoáng sản là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trong đó titan chiếm tỷ lệ cao nhất là 23 khu vực (trữ lượng 421,5 triệu tấn quặng tinh), với tổng số diện tích là 1.140 km2, phân bố chủ yếu tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tiếp đó là than nâu, than antraxit với 6 khu vực có diện tích 1.456 km2, trữ lượng 40,732 tỷ tấn; 4 khu vực cát trắng có diện tích 3.868 km2, trữ lượng 1,1 tỷ tấn; 3 khu vực bauxit, diện tích 2.919 km2, trữ lượng 917 triệu tấn; 3 khu vực apatit với diện tích 332 km2, có trữ lượng 1,6 tỷ tấn quặng apatit loại IV. Các khu vực dự trữ khoáng sản còn lại như đá trắng, đất hiếm, chì-kẽm, quặng cromit có trữ lượng không lớn được khoanh định do nằm trong các khu vực có công trình văn hóa, khu vực bảo tồn, khu vực rừng đặc dụng,…

Theo ông Thanh, ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã khoanh định, công bố, có nhiều khu vực khoáng sản dự trữ phân bố dọc dải ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,… Đây cũng là những khu vực có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội như du lịch, điện Mặt Trời, điện gió, khu công nghiệp.

Ngoài ra, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 cũng xác định “duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.”

["Muốn khai thác cát sỏi phải đánh giá tác động đến sạt lở bờ sông"]

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Như vậy, phát huy mọi nguồn lực trong đó có tài nguyên đất đai, khoáng sản, du lịch, năng lượng sạch để phát triển kinh tế-xã hội là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Vì thế, trong hai năm trở lại đây, để phát huy tối đa các nguồn lực phát triển, nhất là các dự án đầu tư theo hướng bền vững, kinh tế xanh đã có nhiều địa phương như Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... quan tâm kêu gọi đầu tư và đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ có liên quan cho phép triển khai các dự án phát triển trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điển hình như tỉnh Bình Thuận đề nghị 66 dự án, gồm các dự án sân bay, điện Mặt Trời, điện gió, du lịch nghỉ dưỡng; tỉnh Quảng Nam 16 dự án; tỉnh Đắk Lắk 10 dự án…

Tuy nhiên, khi xem xét chủ trương đầu tư các dự án trên mặt, nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn do chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành quyết định chủ trương đầu tư bởi Quyết định số 645/QĐ-TTg chỉ khoanh định các diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, mà chưa có quy định triển khai các dự án trên mặt; chưa quy định về thời gian dự trữ khoáng sản mà phải vừa phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản, vừa đảm bảo thời hạn hoạt động của dự án; chưa quy định nguyên tắc khi quyết định chủ trương đầu tư dự án trên mặt và trách nhiệm bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Trong khi đó, Luật Đầu tư, Luật Đất đai chỉ quy định về thời hạn hoạt động, diện tích đất sử dụng của dự án nhưng chưa có quy định cụ thể việc triển khai các dự án đầu tư trên mặt mà bên dưới có khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

“Muốn vậy, phải điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 645/QĐ-TTg nêu trên,” ông Thanh nhấn mạnh.

Đầu tư dự án trên mặt khu vực dự trữ khoáng sản: Đã đủ cơ sở pháp lý ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Gỡ vướng mắc để “mở đường” phát triển

Từ yêu cầu thực tế trên, để đủ cơ sở pháp lý vừa quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, vừa tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia, ngày 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nghị định này có hiệu lực ngay kể từ ngày ký. 

Đề cập tới cơ sở pháp lý của Nghị định, ông Thanh cho rằng căn cứ Điều 80 Luật Khoáng sản quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản;” Điều 86 của Luật quy định “Chính phủ hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.” Trong khi đó, khoản 2 Điều 19 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu Chính phủ ban hành Nghị định để quy định “...các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ…”

“Như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định này để quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đồng thời cho phép triển khai các dự án phát triển trên mặt là cần thiết, cấp bách và phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ,” ông Thanh nhấn mạnh.

Đây cũng là cơ sở pháp lý cụ thể để Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 645/QĐ-TTg trước khi Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội trong diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Theo đó, trong quá trình thực hiện dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ khoáng sản quốc gia, chủ đầu tư có trách nhiệm: Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi khu vực triển khai dự án theo quy định; nghiêm cấm lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Nếu vi phạm, ngoài việc bị xử phạt theo quy định, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và khối lượng khoáng sản bị khai thác trái phép, chủ đầu tư dự án sẽ bị đình chỉ có thời hạn việc thực hiện dự án đầu tư hoặc bị thu hồi quyết định chủ trương đầu tư.

Các địa phương không phê duyệt các dự án thực hiện dự án có mục đích sử dụng đất lâu dài, trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng; các công trình xây dựng thuộc cấp công trình đặc biệt, cấp I theo quy định pháp luật về xây dựng, trừ dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, khi lập hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, chủ đầu tư phải đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc phạm vi dự án; phải có giải pháp bảo vệ loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ nêu trong báo cáo dự án đầu tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục