Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 52 tại Davos (Thụy Sĩ) đã kết thúc sau 5 ngày họp (từ ngày 22-26/5), với nhiều đề xuất, sáng kiến được đánh giá là thiết thực và hữu ích nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu cũng như củng cố nền tảng của một hệ thống toàn cầu ổn định trong bối cảnh thế giới đang phải hứng chịu “những cơn gió ngược” từ cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch và các cú sốc về kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực.
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo các nước, các nhà tài chính và giám đốc điều hành đưa ra thông điệp về tăng cường hợp tác toàn cầu, bởi thế giới ngày càng cảm nhận rõ hơn những tác động khi khuôn khổ thị trường mở vốn định hình thương mại và địa chính trị trong 3 thập niên qua đang lung lay, chủ nghĩa dân tộc kinh tế trỗi dậy, sự mong manh của mạng lưới cung ứng toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh, xung đột và hơn hết là nguy cơ hàng trăm triệu người lâm vào nghèo đói.
Trên thực tế, cuộc xung đột Nga-Ukraine, cùng với dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động mạnh đến thị trường dầu mỏ và thực phẩm, đẩy nền kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều rủi ro, với tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Anh, Mỹ và các nước châu Âu, lên mức cao kỷ lục trong nhiều thập niên.
[Việt Nam đưa ra nhiều đề xuất quan trọng tại Hội nghị WEF Davos 2022]
Số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4 vừa qua tăng tới 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ hai liên tiếp lạm phát tại Mỹ tăng hơn 8% và là mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.
“Bão giá” đã gây ra nhiều hệ lụy, khi đẩy 80 quốc gia trên thế giới đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ trong năm 2022, nhiều người rơi vào cảnh “rỗng túi,” không đủ khả năng tài chính để mua thực phẩm thiết yếu.
Đáng lo ngại, nguy cơ này sẽ nhanh chóng dẫn đến những bất ổn chính trị, như những gì đã và đang xảy ra tại Sri Lanka.
Ngay trước khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine - nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, vấn đề an ninh lương thực toàn cầu cũng đã trong tình trạng đáng báo động, với khoảng 400 triệu người ở 43 quốc gia đối mặt với nạn đói.
Điều đáng nói, hiện có khoảng 60-70 quốc gia đang đương đầu cùng lúc với nhiều cuộc khủng hoảng, đây cũng là nhóm đáng lo ngại nhất và cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhưng hiện chưa nhận được giúp đỡ phù hợp.
Vì vậy, việc hội nghị trực tiếp đầu tiên của WEF sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 thu hút sự tham gia của gần 2.500 nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và giới học giả, bàn thảo và đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết những thách thức hiện nay, đã cho thấy mối quan tâm và nguyện vọng chung của nhân loại hướng đến thịnh vượng, ổn định và phát triển.
Trước những lo ngại ngày càng tăng về việc cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm trì hoãn hành động chống biến đổi khí hậu, các đại biểu đã nhấn mạnh tính cấp bách đối với chính phủ các nước và các doanh nghiệp trên toàn cầu trong việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, đồng thời cho rằng cần coi việc bảo vệ thiên nhiên và khí hậu là ưu tiên hàng đầu.
Không ít ý kiến đánh giá có thể Davos 2022 chính là một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, tập hợp các tác nhân phù hợp nhất lại với nhau để thúc đẩy hành động cho tất cả các sáng kiến trong lĩnh vực này.
Bà Neo Gim Huay, Giám đốc điều hành Trung tâm Thiên nhiên và Khí hậu tại WEF, khẳng định: "Hội nghị thường niên tại Davos là cơ hội quan trọng để củng cố quyết tâm của chúng ta đối với hành động vì khí hậu, biến tham vọng thành hành động và củng cố thêm nhiều mối quan hệ đối tác để cùng tạo ra một tương lai mà chúng ta có thể tự hào."
Đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án "1.000 tỷ cây xanh" và nhiều dự án khác nhằm bảo vệ “Hành tinh Xanh” đã nhận được nhiều sự chú ý của các đại biểu.
WEF còn khởi động một sáng kiến mới mang tên “Hiệp định vì một thế giới khỏe mạnh hơn,” tập trung vào 5 lĩnh vực, gồm bệnh truyền nhiễm, ung thư, viêm nhiễm, các bệnh hiếm và sức khỏe phụ nữ, nhằm giúp thế giới có thêm công cụ chống chọi tốt hơn với nguy cơ khủng hoảng sức khỏe trong tương lai.
Tại hội nghị, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã đưa ra cam kết mang tính đột phá, tuyên bố sẽ bán các loại thuốc đã được cấp bằng sáng chế của mình cho các nước nghèo nhất thế giới với mức giá “phi lợi nhuận.”
Điều này có nghĩa gần 1,2 tỷ người sẽ được tiếp cận với các loại thuốc và vaccine đã được cấp bằng sáng chế của Pfizer.
Không chỉ vậy, hiệp định tạo điều kiện cho các nước tiếp cận với một số loại thuốc quan trọng và giúp kiểm soát tốt hơn các lại bệnh như COVID-19, kháng thuốc kháng sinh, não mô cầu, viêm não và phế cầu khuẩn.
Nhằm giải quyết các thách thức kinh tế, các đại biểu đã chia sẻ sự cần thiết xây dựng nền kinh tế tự cường trong giai đoạn hiện nay, gắn kết giữa tự cường quốc gia với hợp tác quốc tế và phối hợp đa phương, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tự cường ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Trước nguy cơ thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập niên do những tác động tổng hợp của COVID-19, biến đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine, hội nghị đã tiến hành phiên thảo luận trọng tâm về “Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu,” trong đó đưa ra những giải pháp thiết thực như tạo dòng chảy thương mại về lương thực, giải quyết vấn đề lãng phí lương thực, duy trì lối sống khỏe, đầu tư vào công nghệ về nông nghiệp, bảo vệ nguồn đất, thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu và học hỏi lẫn nhau.
Kể từ khi thiết lập mối quan hệ hợp tác với WEF vào năm 1989, Việt Nam luôn coi đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo chính phủ với các tập đoàn hàng đầu thế giới, giúp gợi mở những ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.
Tại hội nghị lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu 5 đề xuất quan trọng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, trong đó có việc tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững; tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu, trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và Mỹ Latinh.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ định hướng của Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp carbon thấp, “xanh-sinh thái-bền vững,” xoay quanh ba trụ cột: "nông nghiệp sinh thái," "nông thôn hiện đại," "nông dân thông minh," đồng thời kêu gọi sự đồng hành của quốc tế trong việc củng cố khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu cho Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần củng cố an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn chia sẻ các quan điểm và định hướng phát triển, trong đó có phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Những đề xuất của Việt Nam tại hội nghị lần này đã được các đại biểu đánh giá cao.
Chủ tịch sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab, khẳng định với vai trò và uy tín của Việt Nam, sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị WEF 2022, cùng lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn toàn cầu, cho thấy Việt Nam luôn phát huy vai trò đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế đóng góp vào các nỗ lực định hướng những ý tưởng, tư duy chính sách chiến lược trong giai đoạn bước ngoặt hiện nay.
Trong bối cảnh các nước trên thế giới vẫn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng đa tầng xảy ra cùng lúc theo nhiều cách và cấp độ khác nhau, việc tăng cường hợp tác toàn cầu nhằm đạt được các giải pháp cùng có lợi đang trở thành vấn đề cấp thiết hơn bao giờ.
Đó cũng là thông điệp được Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh: “Một thế giới mà các quốc gia cùng hành động sẽ có lợi hơn việc hành động riêng rẽ.”./.