Đẩy mạnh số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, phát triển Chính phủ Số

Theo Bộ Nội vụ, Cổng Dịch vụ Công Quốc gia đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đẩy mạnh số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, phát triển Chính phủ Số ảnh 1(Nguồn: Cổng Dịch vụ Công Quốc gia)

Theo Bộ Nội vụ, một trong những kết quả nổi bật trong công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm nay là xây dựng và phát triển Chính phủ Điện tử, Chính phủ Số.

Trong tháng 6/2023, có 21,79 triệu giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng Tích hợp, Chia sẻ Dữ liệu Quốc gia (NDXP), nâng tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng này 6 tháng đầu năm đạt 276,9 triệu giao dịch.

Trung bình hàng ngày có khoảng 1,38 triệu giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng Tích hợp, Chia sẻ Dữ liệu Quốc gia. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,35 tỷ giao dịch.

Đến nay, Nền tảng Tích hợp, Chia sẻ Dữ liệu Quốc gia  đã hỗ trợ hoàn thành kết nối Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Cán bộ, Công chức, Viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống Đăng ký, Giải quyết Chính sách Trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.

Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, một doanh nghiệp nhà nước (EVN), ba doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.

Toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, gồm Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội.

[Kiện toàn thành viên của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi Số]

Tính đến ngày 22/5, Hệ thống Đăng ký và Quản lý hộ tịch đã có gần 35,9 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có gần 8,7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, 4,9 triệu hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của Bảo hiểm Xã hội; 8,8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; 5,4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và 9,7 triệu dữ liệu khác.

Dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương đã được kết nối, liên thông với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ Cơ sở Dữ liệu Đất đai Quốc gia, Cơ sở Dữ liệu Đất đai cấp địa phương với nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các bộ ngành, địa phương.

Các hệ thống thông tin được xây dựng, đã đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cơ quan nhà nước từ phương thức truyền thống, giấy tờ, sang phương thức điện tử.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục Liên thông Văn bản Quốc gia khoảng 3,6 triệu văn bản, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tính đến nay, hơn 23 triệu văn bản đã được gửi, nhận trên Trục. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến nay, đã phục vụ 75 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.670 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 575 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thực hiện với trọng tâm là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Trong 6 tháng đầu năm, Cổng Dịch vụ Công Quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng.

Riêng trong quý 2/2023, Cổng Dịch vụ Công Quốc gia đã có trên 2,23 triệu tài khoản đăng ký, trên 28 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, hơn 5,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, trên 6,15 nghìn hồ sơ trực tuyến, trên 3,83 triệu giao dịch thanh toán với số tiền hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.

Tính đến nay, 32,05% kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 67,32% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa; hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), 10/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh số hóa hồ sơ thủ tục hành chính, phát triển Chính phủ Số ảnh 2Khai trương Hệ thống Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Cán bộ, Công chức, Viên chức trong Cơ quan Nhà nước. (Nguồn: Bộ Nội vụ)

Cổng Dịch vụ Công Quốc gia đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, việc ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính và chỉnh sửa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, nhất là việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa để người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần.

Các dịch vụ công trực tuyến mới chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình, trải nghiệm của người dùng nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản cho người dân, doanh nghiệp, nhiều trường hợp vừa phải làm thủ công, vừa làm trực tuyến gây mất thời gian. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính còn chưa cao.

Việc kết nối, khai thác Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân. Việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời.

Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả.

Nguyên nhân được chỉ ra là các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính chưa có sự chuẩn hóa, thống nhất về dữ liệu để các hệ thống có thể hiểu và trao đổi được thông tin, dữ liệu.

Cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục