Đẩy nhanh các dự án giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi trao đổi với báo chí để làm rõ những hạn chế, cũng như đưa ra các giải pháp cho để giải tỏa hết công suất các dự án điện mới.
Năng lượng tái tạo là nhóm ngành trụ cột đang phát triển mạnh tại Ninh Thuận hiện nay. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống lưới, hạ tầng điện đã phát sinh những bất cập khi chưa thể giải tỏa hết công suất các dự án điện mới, khiến nhiều dự án chỉ huy động được từ 40-50% công suất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi trao đổi với báo chí để làm rõ những hạn chế, cũng như đưa ra các giải pháp cho vấn đề này.

-Mới đây, Bộ trưởng đã có chuyến công tác tại 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Quảng Trị nhằm tìm hiểu nguồn năng lượng tái tạo... Vậy Bộ trưởng có đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của các tỉnh này cũng như các khu vực khác trong cả nước?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Qua kiểm tra, chúng tôi nhìn nhận miền Trung và Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh rất rõ nét trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.

Đối với điện gió và điện mặt trời, 2 tỉnh như Quảng Trị và Gia Lai có tốc độ gió đo được nhất, nhì ở Việt Nam. Tiềm năng gió, sức gió trong một năm ở khu vực này rất có ưu thế. Điện năng mặt trời ở Tây Nguyên và Quảng Trị cũng là những vùng tương đối thuận lợi dù không cao như vùng Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng là vùng có bức xạ nhiệt của mặt trời tương đối tốt, thuận lợi cho phát triển điện mặt trời.

Lấy ví dụ như điện gió, mô hình của Quảng Trị và Gia Lai thực hiện rất tốt, câu chuyện điện gió và nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ đều phát triển đồng thời gắn với loại hình khác như du lịch và dịch vụ, có thể nói là sự kết hợp rất hiệu quả.

Chưa kể đến Việt Nam là đất nước có chiều dài bờ biển lớn, các dự án ngoài bờ có ý nghĩa lớn không chỉ trong việc không chiếm giữ đất đai mà còn quan trọng trong chiến lược kinh tế biển của chúng ta. Ngay trong Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được Bộ Chính trị ban hành cũng nêu rõ việc tập trung ưu tiên phát triển điện gió gắn với kinh tế biển.

Phải khẳng định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió, mặt trời, chưa kể các nguồn điện trong tương lai như địa nhiệt, điện hydro...

Trong quá trình làm việc với các địa phương, chúng tôi đã thống nhất sơ bộ về định hướng xây dựng đề án phát triển điện gió, chiến lược điện gió, điện mặt trời. Sắp tới, chuyến công tác với các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre và Long An, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đánh giá, hoàn tất nghiên cứu chiến lược điện gió và điện tái tạo để có cơ sở thực tiễn khoa học, từ đó hoàn tất cơ sở pháp lý làm sao có chiến lược thực sự hiệu quả, khả thi và bền vững trong phát triển điện gió, điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung tại Việt Nam.

-Thưa Bộ trưởng, để tiếp tục tạo sức hút cho đầu tư tư nhân vào phát triển ngành điện, Việt Nam sẽ thực hiện theo cơ chế nào trong thời gian tới, giá FIT (là giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng thứ cấp được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) hay chuyển sang đấu thầu? Và nếu đấu thầu thì sẽ thực hiện như thế nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta đã có cơ chế giá điện FIT áp dụng cho điện mặt trời và điện gió. Có thể nói, các doanh nghiệp rất mong muốn có được cơ chế giá FIT dựa trên cơ sở tính toán thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế cho các dự án đầu tư, nhưng đồng thời nằm trong cơ cấu giá điện, đảm bảo an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, cách mạng công nghệ phát triển nhanh chóng, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió với những cải tiến, công nghệ mới có hiệu suất, chất lượng cao hơn, cho phép dẫn đến giá thành sản xuất điện năng trong lĩnh vực này giảm nhanh chóng. Chính vì vậy, câu chuyên giá FIT cho điện mặt trời, điện gió xét trong bối cảnh chung như vậy cũng không còn phù hợp mà nó phải được tiếp tục xem xét và điều chỉnh.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cùng các đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất những cơ chế giá, điều hành giá thật sự phù hợp để đáp ứng các yêu cầu phát triển điện năng, điện tái tạo...

Một nhà máy điện mặt trời ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) mới được đưa vận hành trong năm 2019. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Cụ thể, Bộ Công Thương đang phối hợp với tư vấn nghiên cứu phương án đấu thầu trong các dự án điện mặt trời và dự kiến ngay trong năm 2020 sẽ triển khai thí điểm, trước mắt sẽ thí điểm với các dự án có đủ điều kiện để làm. Điều kiện ở đây đòi hỏi rất cụ thể, như: đất sạch, mặt bằng được giải phóng, hay liên quan đến công nghệ và các tiêu chí khác cũng phải đưa mặt bằng chung để tính toán và thống nhất; việc xây dựng các bước hướng dẫn tiếp trong đấu thầu cũng cần rất nhiều những quy định, bộ tiêu chí đánh giá, nguyên tắc...

Vì thế, Bộ Công Thương thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho đấu thầu các dự án điện trên mặt hồ, sẽ không vướng về giải phóng mặt bằng mà lại cho phép chúng ta khai thác nguồn tiềm năng lớn từ các mặt hồ. Trên cơ sở sau khi có kết quả từ các dự án này thì sẽ tiếp tục bổ sung các cơ chế cho đấu thầu điện mặt trời trong thời gian tiếp.

Với điện gió, vì thời gian hưởng ưu đãi giá FIT theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, còn đến tháng 11/2021, nhưng Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương rà soát, thẩm định, bổ sung Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh các dự án điện gió mới và để có thể sớm triển khai thực hiện. Giai đoạn sau năm 2021, khi Quyết định 39 hết hiệu lực, sẽ căn cứ thực tế, diễn biến, phát triển công nghệ cũng như các quy hoạch về điện năng cả nước để tiếp tục đánh giá, có giải pháp báo cáo Thủ tướng có cơ chế chính sách phát triển điện gió. Vì đây thực sự là nội dung quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam...

-Thời gian qua, nhờ các cơ chế ưu đãi về giá FIT, chúng ta đã chứng kiến sự đầu tư “thần tốc” của nhiều dự án năng lượng mặt trời, gió, nhưng cũng kèm theo đó là sự không theo kịp của hệ thống lưới điện. Vậy thời gian tới, để tránh tình trạng nguồn cung nhiều nhưng không đấu nối được thì Bộ Công Thương đã có chuẩn bị, giải pháp gì để giúp giải tỏa công suất cho các dự án điện sạch?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đây là một thực tế rất nóng, được dư luận quan tâm và nó cũng phản ánh những tồn tại trong phát triển năng lượng của chúng ta, nhất là trong điện năng. Trong Quy hoạch điện 7 hiệu chỉnh, chúng ta cũng đã xây dựng các dự án, quy hoạch cụ thể cho từng trung tâm, khu vực, tính đến kết nối các hệ thống, đồng bộ các dự án về nguồn điện, hạ tầng để đấu nối và phục vụ truyền tải, gồm các trạm từ 110 kV, 220 kV đến 500 kV... Theo đó, đã tương đối cơ bản vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia cũng như huy động tối đa nguồn điện đầu tư hợp lý, đảm bảo nhu cầu cân đối cung cầu điện trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, khi xuất hiện sự bùng nổ của các dự án năng lượng tái tạo mà cụ thể là điện mặt trời thì chúng ta thấy bộc lộ ngay bất cập trong đồng bộ hóa giữa công suất của các nhà máy điện Mặt Trời được đầu tư với hạ tầng lưới điện thực tế.

Vấn đề là mặc dù đã đẩy nhanh quá trình đầu tư, phát triển hạ tầng theo quy hoạch nhưng các dự án điện mặt trời được phê duyệt trong thời gian qua phần lớn là do tư nhân cả trong và ngoài nước đầu tư. Khi đầu tư tư nhân, họ làm nhanh và không bị vướng thủ tục pháp lý, nhất là nguồn vốn và quản lý nguồn vốn, bản thân họ cũng có điều kiện tổ chức nhanh chóng như công nghệ, thiết bị, quản trị dự án...

Nhưng các dự án về hạ tầng điện trong quy hoạch đều thực hiện bằng các nguồn lực của nhà nước thông qua vai trò của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các công ty điện lực địa phương, trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các nguồn lực này phải chịu sự quản lý theo quy định chung, các chính sách pháp luật về quản lý vốn, vì vậy, quy trình thủ tục từ khâu bổ sung quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, tổ chức thực hiện và quá trình thực hiện đầu tư đều mất rất nhiều thời gian.

Nhà máy điện Mặt Trời Europlast Long An (huyện Đức Huệ, Long An). (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Đây là vấn đề chung cho doanh nghiệp nhà nước trong tất cả các lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực về điện, theo đó đã gây sự chậm trễ nhất định.

Bên cạnh đó, nguồn lực của EVN, doanh nghiệp nhà nước cũng bị hạn chế, không có đủ điều kiện huy động để đáp ứng được sự bùng nổ nhanh chóng của các dự án năng lượng tái tạo với các cơ chế đột phá của Chính phủ.

Vì thế từ tháng 6/2019, đã có hơn 5.000 MW công suất các dự án điện mặt trời được đầu tư và đưa vào vận hành, nhưng do hạn chế hạ tầng, năng lực giải tỏa công suất, đặc biệt lại tập trung ở một số địa phương có tiềm năng phát triển như Ninh Thuận và Bình Thuận, dẫn đến công suất giải tỏa trong giai đoạn đầu bị hạn chế, thậm chí có thời điểm chỉ huy động được từ 40-50% công suất nhà máy.

Với sự nỗ lực của Bộ Công Thương và ngành điện thì đến nay về cơ bản đã giải quyết được câu chuyện giải tỏa công suất, bằng việc đôn đốc tích cực, đưa vào hàng loạt các công trình mới, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện và có những giải pháp kỹ thuật. Hiện các dự án điện mặt trời này đã được giải tỏa công suất ở mức từ 70-80% và theo dự kiến đến tháng 6/2020 này về cơ bản sẽ giải tỏa hết công suất các dự án điện mặt trời vốn đang vướng mắc trong câu chuyện hạn chế của hạ tầng lưới điện.

Qua đó cho thấy, bài học kinh nghiệm về không đồng bộ hạ tầng trong giải tỏa công suất với các dự án điện đầu tư dưới hình thức mới của khu vực tư nhân. Từ bài học đó, Bộ Công Thương đã khảo sát đánh giá để thống nhất nguyên tắc, giải pháp biện pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư, quy mô đầu tư cho hạ tầng điện để đảm bảo năng lực giải tỏa công suất tốt hơn, đặc biệt các khu vực có nhiều tiềm năng như miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nam bộ...

Với quy mô các nhà đầu tư được tăng lên nhanh chóng như vậy, áp lực về giải tỏa công suất các nguồn điện thông qua hệ thống lưới điện cũng rất lớn, vì vậy việc rà soát các quy hoạch, trên cơ sở đánh giá tiềm năng các khu vực để sớm bổ sung vào quy hoạch những dự án lưới điện cần thiết, quan trọng của hệ thống truyền tải, các trạm biến áp để nâng cao năng lực giải tỏa. Đây là giải pháp đầu tiên.

Thứ 2 là Bộ Công Thương thống nhất với EVN để xác định giải pháp huy động các nguồn lực đẩy nhanh thực hiện, những dự án đầu tư trong hệ thống truyền tải và đặc biệt đảm bảo vai trò của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các công ty điện lực địa phương, đảm bảo các yếu tố đấu nối kỹ thuật, vận hành an toàn và xuyên suốt của hệ thống lưới điện để giải tỏa tối đa công suất cho các dự án mới đầu tư

Thứ 3 là chúng tôi thống nhất với các địa phương tiếp tục nghiên cứu và sớm báo cáo Chính phủ, cho tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế thí điểm cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư trong các dự án điện tái tạo có quy mô lớn khả năng đầu tư trong hệ thống hạ tầng, trạm và đường dây dẫn, coi như là hợp phần của dự án mà vẫn được phép, để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho EVN. Các nhà đầu tư có thể phối hợp với nhau đầu tư các trạm và đường dây để đảm bảo năng lực đấu nối với hệ thống truyền tải điện Quốc gia..

Trong khi chờ đợi, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và đã có văn bản báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Về lâu dài thì phải sửa các quy định luật pháp, nhất là Luật Điện lực liên quan vai trò độc quyền nhà nước trong lĩnh vực truyền tải điện... Hi vọng với các quy định được xem xét sửa đổi trong tương lai thì chúng ta sẽ tiếp tục tháo gỡ được những vướng mắc theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển điện năng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục