Thực trạng thế hệ trẻ người Việt ở Liên bang Nga không nắm vững tiếng mẹ đẻ đang ở mức đáng lo ngại. Đã đến lúc phải hành động, nếu không các thế hệ tiếp theo sinh ra và lớn lên ở xứ sở Bạch Dương hoàn toàn “mù tịt” tiếng Việt là nguy cơ hiện hữu.
Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu? theo phương thức và mô hình nào? là những câu hỏi cần lời giải đáp.
Hiện, trên toàn lãnh thổ Liên bang Nga, chỉ ở thành phố Ekaterinburg và thành phố Kazan mới có lớp học tiếng Việt chính thức dành cho người Việt. Chính thức bởi vì những lớp học này do Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg phối hợp với Hội người Việt tại hai thành phố thuộc vùng Ural này đứng ra tổ chức.
Theo ông Đàm Danh Lam - Chủ tịch Hội người Việt tại Kazan, tất cả cộng đồng người Việt ở Nga đều có nhu cầu về tiếng Việt, đây là vấn đề cấp bách, nhưng không phải tỉnh nào cũng làm được, ở thành phố Kazan, từ 3 năm nay đang duy trì được hai lớp dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng.”
Ông Đàm Danh Lam cũng nhấn mạnh: “Dạy tiếng Việt ở Nga rất khó, phải có cô giáo, cần sự chuyên nghiệp của giáo viên. Cộng đồng thì quỹ hạn chế, để thuê một giáo viên ở Việt Nam sang chi phí rất lớn. Hàng ngày các cháu đi học, buổi chiều các cháu về thì thời gian rất ít, chỉ có thể dạy vào thứ Bảy, Chủ Nhật. Phải làm sao con cháu thích đến học.”
Tuy nhiên, chưa thể khẳng định đây là mô hình mẫu cần được nhân rộng ngay, bởi vì số lượng học sinh theo học vẫn còn quá ít (khoảng 15 cháu/lớp, trong khi tổng số người Việt sinh sống tại Ekaterinburg hơn 2.000 người và tại Kazan có khoảng 1.000 người), đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa chưa chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng có sự khác biệt lớn so với những cách thức tổ chức trước đây.
Cơ quan đại diện đã huy động được sự tham gia tích cực của các hội, đoàn người Việt. Nếu nhận được sự hỗ trợ từ trong nước thông qua tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt, hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ dạy học, phổ biến các chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài... thì ông tin chắc rằng phong trào học tiếng Việt sẽ phát triển sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam ở nơi đây.
Hơn nữa, để giảm thiểu tình trạng thiếu hụt giáo viên cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng nhằm thu hút lực lượng sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt Nam đang theo học và nghiên cứu tại các trường đại học của Nga tham gia dạy tiếng Việt.
[Diễn đàn về giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Moskva]
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức lớp dạy tiếng Việt ông Ngô Phương Nghị - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg cho biết trước hết Cơ quan đại diện ngoại giao phải quan tâm đặc biệt đến công tác dạy và học tiếng Việt tại địa bàn thông qua hỗ trợ thường xuyên về thông tin, động viên những lúc lớp học gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất...
Bên cạnh đó, phải có tổ chức, hội, đoàn tại địa phương đứng ra bảo trợ cho lớp học và phải đoàn kết, quan tâm, quyết tâm đưa việc giảng dạy và học tiếng Việt từ nguyện vọng của bà con trong cộng đồng thành nhiệm vụ hoạt động thường xuyên của mình. Hội đoàn đứng ra tổ chức và quản lý lớp tiếng Việt phải có tính chất đại diện cao, có gốc rễ sâu rộng trong cộng đồng, vì lợi ích tri thức, văn hóa và phát triển bền vững của cộng đồng.
Hơn nữa. Hội đoàn đó phải liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao trong vùng và Ủy ban Người Việt trong nước để được hỗ trợ về học liệu, sách vở, tài liệu hướng dẫn, tập huấn giáo viên và các chính sách của Đảng và nhà nước về giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Kinh nghiệm cho thấy, ở những nơi có rất đông người Việt Nam mà hội đoàn không đoàn kết, có quá nhiều hội đoàn nhưng lại phân tán cũng không mở được lớp tiếng Việt dù nhu cầu của cộng đồng và con em bà con lúc nào cũng rất cao.
Trao đổi với chúng tôi, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh để việc học tiếng Việt trở thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên trước hết phải khẳng định để tổ chức và duy trì được một lớp học tiếng Việt là hành trình bền bỉ đầy gian nan, vất vả, đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng từ nhiều phía. Theo tôi trước hết phải tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, cũng như cá nhân các em học sinh về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt. Chừng nào các bậc phụ huynh chưa ý thức được sự cần thiết phải dạy tiếng Việt cho con cái họ thì mọi nỗ lực đều không đạt được kết quả như mong muốn. Ở đây, vài trò của các cơ quan báo chí, hội, đoàn là rất lớn. Báo chí phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu được ý nghĩa của việc duy trì tiếng mẹ đẻ cho con em họ.
Thứ hai, nước Nga rất rộng lớn, người Việt sống rải rác ở nhiều thành phố khác nhau do đó cần phải tiến hành thăm dò, khảo sát để nắm rõ đặc điểm tình hình ở mỗi tỉnh/thành. Ngay ở Moskva, nơi tập trung đông người Việt nhất, nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mà mở lớp theo cảm tính thì khả năng thành công không cao.
Thứ ba, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng ở trong nước, đặc biệt là với Ủy ban Người việt để nhận được tài liệu học tập cũng như thông tin về các chương trình giảng tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài để phổ biến cho bà con.
Thứ tư, kêu gọi các hội, đoàn và mạnh thường quân tham gia vào việc thúc đẩy phong trào học tiếng Việt.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của các bên liên quan, thế hệ trẻ người Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Nga sẽ nắm vững được tiếng mẹ đẻ, qua đó trở thành cầu nối vững chắc giúp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga không ngừng đơm hoa kết trái./.