Năm học 2021-2022, lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở bậc trung học, bắt đầu với lớp 6. Một trong những điểm khác biệt rất lớn của chương trình mới so với hiện hành là sự xuất hiện của các môn học mới mang tính tích hợp: Lịch sử-Địa lý và Khoa học Tự nhiên. Các môn học này sẽ thay cho các môn học đơn môn truyền thống trước đây là Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý.
Dù năm học mới sắp tới gần, nhưng ngành giáo dục chưa chuẩn bị được đội ngũ giáo viên mới để có thể đảm nhiệm trọn vẹn một môn học này khi hiện chỉ có giáo viên dạy đơn môn.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh nghiệm quốc tế cho thấy có thể bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp. Thế nhưng điều này lại dấy lên hàng loạt câu hỏi như liệu có nảy sinh những bất cập? Có cần đào tạo đội ngũ giáo viên mới để có thể đảm nhiệm cả môn học này? Các trường đại học sư phạm chuyển mình như thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực mới cho chương trình mới?
Những vấn đề trên sẽ được Báo điện tử VietnamPlus phân tích trong loạt bài “Dạy học tích hợp liên môn: Phải đào tạo đội ngũ giáo viên mới.”
Bài 1: Giáo viên lo lắng khi phải dạy học tích hợp liên môn
Một trong những điểm khác biệt của chương trình mới sẽ được triển khai từ năm học mới (bắt đầu cho lớp 6) là sự xuất hiện của các môn tích hợp Lịch sử-Địa lý và Khoa học Tự nhiên thay cho các môn truyền thống trước đây là Lịch sử, Địa lý, Hóa học, Sinh học, Vật lý.
Trong khi các giáo viên lo lắng về việc dạy các môn tích hợp như thế nào khi trước đây chỉ quen dạy đơn môn thì nhà bộ quản lý lại băn khoăn làm sao bố trí giáo viên hợp lý cho các môn học này.
Thách thức lớn
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Lịch sử và Địa lý gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lý, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Ngoài ra còn có bốn chủ đề chung mang tính tích hợp cao được phân phối phù hợp với mạch nội dung chính của mỗi lớp, là: Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; đô thị–lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lý.
Chương trình môn Khoa học Tự nhiên được tổ chức theo 4 chủ đề khoa học chính, gồm Chất và sự biến đổi của chất: Chất có ở xung quanh ta, cấu trúc của chất, chuyển hoá hoá học các chất; Vật sống: Sự đa dạng trong tổ chức và cấu trúc của vật sống; các hoạt động sống; con người và sức khoẻ; sinh vật và môi trường; di truyền, biến dị và tiến hoá; Năng lượng và sự biến đổi: Năng lượng, các quá trình vật lí, lực và sự chuyển động; Trái Đất và bầu trời: chuyển động nhìn thấy của Mặt Trời, chuyển động nhìn thấy của Mặt Trăng, hệ Mặt Trời, Ngân Hà, chu trình các chất trong hệ sinh thái, sinh quyển.
Tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành Vật lý, hơn chục năm đứng lớp cũng chỉ dạy một bộ môn này nên việc tích hợp ba môn Lý-Hoá-Sinh thành môn Khoa học tự nhiên với các chuyên đề thực sự là một thay đổi lớn mà cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên Trường Trung học cơ sở Mỗ Lao, Hà Nội, chưa thể bắt nhịp.
“Tôi học khối A nên nếu cố gắng có thể dạy hai môn Lý- Hoá, còn môn Sinh phải trau dồi thêm. Vì thế, ngay năm học tới đây thì tôi chưa thể dạy được cả môn Khoa học Tự nhiên,” cô Huệ chia sẻ.
Đây cũng là băn khoăn của thầy Phạm Văn Đường, Trường Trung học cơ sở Thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam: “Với một giáo viên chuyên dạy Địa lý như tôi nếu phải dạy cả môn Lịch sử-Địa lý thì cần phải bồi dưỡng thêm tôi mới đảm nhiệm được.”
[Quá hạn, vẫn còn trên 30 địa phương chưa chọn được sách giáo khoa]
Lo lắng về thiếu hụt chuyên môn khiến giáo viên trở nên thiếu tự tin. “Nếu dạy cả môn Lịch sử và Địa lý, tôi không biết có giúp học sinh nắm bắt được theo yêu cầu chương trình được không?” cô Phùng Thị Thu, Trường Trung học cơ sở Cổ Đô, Hà Nội chia sẻ.
Việc không có giáo viên đảm nhiệm được cả môn học tích hợp là thực trạng chung của các nhà trường. Ông Trần Quang Hiệp, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện Chợ Mới, Bắc Kạn cho hay mặc dù đã có các chương trình bồi dưỡng liên môn nhưng việc tập huấn vài buổi, vài tuần cho giáo viên là chưa đủ. Trong một sớm một chiều giáo viên chưa thể chủ động để nắm bắt hết kiến thức cũng như kỹ năng giảng dạy các lĩnh vực vốn lâu nay không phải là chuyên môn của họ.
Theo chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, việc giáo viên lo lắng là điều tất yếu khi lâu nay chỉ dạy đơn môn. “Giáo viên còn lo lắng về một điều khác nữa là liệu đơn môn của họ có bị biến mất hay không khi triển khai tích hợp, liệu mình có thất nghiệp không? Đó là một xáo trộn lớn,” bà Hương phân tích.
Nhà trường loay hoay bố trí giáo viên
Việc xuất hiện các môn tích hợp cũng khiến cho lãnh đạo các trường lúng túng trong việc bố trí, sắp xếp giáo viên.
Ông Trần Quang Hiệp cho hay đối với môn Lịch sử-Địa lý, huyện chỉ có giáo viên được đào tạo chuyên ngành sư phạm Văn-Sử hoặc Văn-Địa, không có giáo viên được đào tạo chuyên ngành sư phạm Sử-Địa. Vì vậy, giáo viên Văn-Sử sẽ phải dạy chuyên đề về Lịch sử, giáo viên Văn-Địa phải phụ trách chuyên đề về Địa lý trong môn Lịch sử và Địa lý.
Việc bố trí nhiều giáo viên đơn môn để dạy một môn tích hợp cũng là thực tế chung của nhiều trường trong năm học 2021-2022, với lớp 6. Theo các nhà trường, điều này sẽ nảy sinh những khó khăn khi các giáo viên phải học cách phối hợp với nhau để dạy cùng một môn sao cho nhịp nhàng thay vì một mình một môn như trước.
Ở khía cạnh quản lý, thầy Nguyễn Đức Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Hà Nội cho hay vấn đề cần phải giải quyết đó là ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong một môn tích hợp để tập hợp câu hỏi vì khi thi hay kiểm tra chỉ có một đề, giáo viên nào vào điểm, ai sẽ thông tin với cha mẹ học sinh, ghi nhận xét đánh giá...?
Bên cạnh đó việc một môn nhiều giáo viên dạy còn dẫn đến tình trạng khi học sinh học phân môn này thì giáo viên phân môn còn lại sẽ được nghỉ, dẫn đến việc có giai đoạn giáo viên phải làm việc quá nhiều, có lúc lại quá nhàn rỗi. Điều này cũng gây khó khăn cho các trường trong việc sắp xếp lịch dạy sao cho các giáo viên đều có tiết trong tuần mà vẫn đảm bảo được tuyến tính của mạch nội dung kiến thức cũng như đảm bảo tính chỉnh thể của môn học.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lại Trường Giang, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trong những năm đầu, do chưa có đội ngũ giáo viên dạy tích hợp nên có thể chấp nhận bố trí hai hoặc ba giáo viên dạy cùng một môn. Tuy nhiên, trong tương lai cần đào tạo giáo viên có kiến thức và kỹ năng để dạy liên môn để có thể dạy độc lập mỗi giáo viên một môn tích hợp./.
Mời độc giả xem loạt bài:
Bài 1. Giáo viên lo lắng khi phải dạy học tích hợp liên môn
Bài 2: Dạy và học tích hợp: Trao quyền chủ động cho các nhà trường
Bài 3. Dạy và học tích hợp: Môn học mới cần có giáo viên mới
Bài 4. Dạy và học tích hợp: Trường sư phạm chuyển hướng đào tạo