Để chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả hơn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã có chia sẻ về chính sách thu hút cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Chăm sóc cây vải tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Nhiều chính sách thu hút cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành; trong đó có Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đây là nghị định thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP vẫn gặp nhiều bất cập.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng nghị định mới mới thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo hướng phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Để nghị định thay thế sẽ đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.

- Xin Thứ trưởng cho biết tình hình các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực.

[Gỡ "nút thắt" trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý nông sản tại nước ngoài]

Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Năm 2021 có 6 dự án, cơ sở với tổng mức đầu tư trên trên 5.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động.

Điều này tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Doanh nghiệp quyết định năng lực cạnh tranh của ngành, lĩnh vực. Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Năm 2021, thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp.

Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: C.P. Việt Nam, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Doveco...

Điển hình như trong chăn nuôi, rất nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư sản xuất, chế biến, với công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi khép kín đặc biệt là có chế biến sâu như: C.P. Việt Nam đầu tư tổ hợp với 250 triệu USD tại Bình Phước với mục tiêu 45% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, xây dựng nhà máy giết mổ gia súc tại Hà Nội; Masan đầu tư nhà máy giết mổ tại Hà Nam và Vĩnh Long…

- Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Việc xây dựng nghị định thay thế cần lưu ý điểm gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước đây là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, rồi đến Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, qua đánh giá thực hiện cho thấy, nguồn lực tổ chức thực hiện còn hạn chế. Chẳng hạn như những hỗ trợ trong nhập giống gốc, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về đất đai… những nội dung quan trọng và cốt yếu chưa cập nhật với thực tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hiện cả nước có trên 800.000 doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp nông nghiệp chỉ có trên 14.400. Số lượng đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế trong khi ngành phải chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Điều này đòi hỏi phải có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn sản xuất theo chuỗi, vùng nguyên liệu gắn với chế biến, thị trường. Do đó, chúng ta phải rà soát lại hết các vấn đề và những thiết chế liên quan đầu tư nông nghiệp.

Thực tế triển khai cho thấy, nguồn lực tổ chức rất quan trọng. Tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã có ý kiến về việc xây dựng các luật, pháp lệnh, chính sách phải tính đến nguồn lực để thực hiện. Chẳng hạn như dự án đường Hồ Chí Minh đã có rất nhiều nghị quyết nhưng vẫn chưa đủ nguồn lực để làm hoàn thiện.

Lần này ban hành nghị định thay thế Nghị định 57/2018/NĐ-CP cần giao rõ trách nhiệm các bộ, ngành địa phương trong triển khai.

Với định hướng sửa đổi sát thực tiễn, đủ nguồn lực triển khai, giao trách nhiệm thì sẽ là yếu tố quyết định thực hiện thành công việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Trong số 14.400 doanh nghiệp có 7.500 doanh nghiệp chế biến nhưng các thủ tục về đất đai, các ưu tiên, ưu đãi vẫn chưa có nguồn lực triển khai. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải nhận thức về vai trò của nông nghiệp chứ không chỉ tập trung vào hạ tầng, dịch vụ, du lịch.

Nông nghiệp là tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng vào ổn định đất nước.

Trong những giai đoạn khó khăn, nông nghiệp đã thực sự là “trụ đỡ” của nền kinh tế, đặc biệt khi dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine xảy ra.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo sẽ có trên 1 tỷ người bị đói, nhưng Việt Nam vẫn có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào. Từ nhận thức đó, các bộ, ngành, địa phương mới dành nguồn lực cho phát triển và ưu đãi trong đầu tư trong nông nghiệp.

- Bên cạnh việc phát triển các doanh nghiệp, thì các hợp tác xã, trang trại… cần có sự quan tâm, định hướng thế nào để việc đầu tư vào nông nghiệp bền vững?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta có hệ sinh thái nông nghiệp với lượng doanh nghiệp nói trên và hơn 19.100 hợp tác xã và 78 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp; có trên 30.000 tổ hợp tác và trên 19.600 trang trại theo tiêu chí mới trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bà con nông dân.

Đến nay, phương thức sản xuất ở các hợp tác xã hiệu quả là một trong những giải pháp, mắt khâu quan trọng để sinh thái nông nghiệp phát triển toàn diện.

Không chỉ tạo môi trường cho doanh nghiệp, các hợp tác xã, trang trại và đặc biệt là gần 10 triệu hộ nông dân cùng đồng hành thì các tiến bộ kỹ thuật sẽ được chuyển từ các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp FDI, các viện nghiên cứu… vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp đúng định hướng, sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng trình Chính phủ ban hành: Nghị quyết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Các chính sách nhằm khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ, coi đây là đột phá phát triển sản xuất quy mô lớn và thay thế sản xuất nhỏ lẻ.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thực hiện “đồng hành” và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cáo, nông nghiệp số, sạch, hữu cơ, ngành phấn đấu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp năm nay.

Dự kiến hết năm 2022, cả nước sẽ có 21.000 hợp tác xã nông nghiệp; trên 2.300 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; có trên 20.500 trang trại theo tiêu chí mới.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục