Học online đang là giải pháp dạy học phù hợp nhất trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Phương pháp này có ưu điểm là duy trì được sự tương tác giữa người học và giáo viên để có thể đánh giá được hiệu quả của việc dạy và học.
Thế nhưng, việc học online cũng đang bộc lộ những khó khăn khi mà cả phụ huynh, học sinh, giáo viên đều khá bỡ ngỡ với hình thức học này, các chuyên gia cho rằng sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn.
Phương pháp dạy học cứu cánh
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã hướng dẫn học sinh học trên internet, truyền hình. Đặc biệt, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Vì vậy, các đơn vị, cơ sở giáo dục trong cả nước đang triển khai tích cực việc học trên truyền hình, học trực tuyến.
Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng dù việc học online sẽ không cho kết quả tốt như trực tiếp nhưng trong thời điểm hiện tại, việc học online là một phương pháp cứu cánh.
Cô Vũ Hồng Loan, Hiệu trưởng trường Vietschool (Hà Nội) bày tỏ quan điểm học trực tuyến là phương pháp học phù hợp trong thời gian này. Theo đó, học sinh được tiếp cận với hình thức học của thời đại 4.0, tiết kiệm chi phí và thời gian, quan trọng hơn cả là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các con trong thời gian dịch bệnh.
Để hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đào tạo từ xa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình. Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.
[Tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi học qua Internet]
Quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet phải gắn với các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.
Trong thời gian học sinh chưa thể đến trường, việc dạy và học sẽ qua hình thức học trên truyền hình và học online. Đây cũng là cơ hội để giúp học sinh đa dạng hóa hoạt động học tập, trải nghiệm những bài giảng, phương pháp dạy phi truyền thống. Đặc biệt, phương pháp học tập này sẽ giúp học sinh hình thành thói quen sắp xếp thời gian biểu, nâng cao ý thức học tập và tăng cường sự tham gia của phụ huynh học sinh vào việc học tập của con mình.
Khó khăn chất chồng
Trong 2, 3 tuần trở lại đây, tại một số địa phương, ngành giáo dục và đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục triển khai các hình thức dạy học online, bài giảng video. Giáo viên, học sinh và cả phụ huynh đã bắt đầu làm quen với hình thức này nhưng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ khi phát sinh nhiều khó khăn, đặc biệt là về công nghệ, đảm bảo điều kiện học tập.
Khi nhà trường thông báo tổ chức dạy học online từ đầu tháng 4 qua ứng dụng Zoom, cả gia đình chị Thu Cúc (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải chuẩn bị, cài đặt máy tính, lên kế hoạch thay phiên nhau kèm cặp con gái đang học lớp 2 để hỗ trợ con khi con đang học. Sau một thời gian nghỉ học dài, con rất hào hứng với việc được nói chuyện với cô giáo và các bạn thế nhưng việc học diễn ra không thuận lợi khi đường truyền thường xuyên bị quá tải, học sinh và giáo viên liên tục bị out ra khỏi lớp học nhóm.
“Thời gian đầu cứ 40 phút thì cả lớp sẽ bị thoát ra khỏi phòng học nên sau đó nhà trường đã mua tài khoản để đảm bảo đường truyền ổn định, học liên tục, thế nhưng thi thoảng trong lớp vẫn có bạn bị thoát ra không vào được. Việc thoát ra phòng học liên tục sẽ khó tập trung, không thể nghe bài giảng của cô liền mạch,” chị Cúc chia sẻ.
Các vấn đề về công nghệ, đường truyền hay hỗ trợ học sinh tham gia học online còn càng trở nên khó khăn hơn đối với những gia đình đã gửi con về quê tránh dịch bệnh COVID-19. Chị Nguyễn Thị Hoa (Định Công, Hà Nội) đã gửi con gái đang học lớp 3 về quê ở Vĩnh Phúc trong thời gian nghỉ học nên con phải tự xoay sở với sự hỗ trợ của ông bà và họ hàng ở quê. Ngày nào con học chị Hoa cũng thấp thỏm: “Đường truyền ở quê kém nên có buổi con thoát ra lại liên tục, không vào được phải xin phép cô nghỉ, tôi chỉ lo con không theo kịp chương trình dạy của cô.”
Thực tế, dạy và học online có nhiều ưu điểm hơn so với các hình thức dạy học từ xa khác như dạy học qua truyền hình hoặc bài giảng video. Tuy nhiên, phương pháp dạy học này chỉ đảm bảo chất lượng nếu duy trì được tốt sự kết nối giữa người dạy và người học. Đặc biệt, khi số lượng học sinh tham gia học online hiện nay duy trì ở mức hơn 30-50 học sinh/lớp thì việc gián đoạn đường truyền sẽ khiến học sinh mất đi sự hứng khởi, tập trung vào giảng, không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Để đảm bảo chất lượng học online, các cơ sở giáo dục bắt buộc phải đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ bài bản. Đối với học sinh, phải đảm bảo có khu vực học yên tĩnh với thiết bị công nghệ, đường truyền tốt để tập trung học. Thế nhưng, không phải nhà trường nào hay gia đình nào cũng có thể đáp ứng được các điều kiện phục vụ học tập online.
Một số nhà trường muốn duy trì chất lượng học online thì phải thu phí để mua bản quyền các phần mềm dạy học trực tuyến. Thế nhưng nếu thu phí thì bắt buộc nhà trường sẽ phải đảm bảo chất lượng dạy và học. Trong khi đó, việc dạy học online ngay từ thời gian đầu đang phát sinh không ít những bất cập.
Khó khăn về làm quen với ứng dụng, đảm bảo đường truyền còn chưa giải quyết xong thì quá trình tổ chức dạy học online lại xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh trên mạng. Khó khăn chồng chất khó khăn, các nhà trường lại phải tiếp tục thay đổi, lựa chọn những ứng dụng dạy và học đảm bảo an toàn cho học sinh.
Cô giáo Trần Thu Hương, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội mặc dù không phải đứng lớp nhưng cả tháng nay hàng ngày đều tìm hiểu các phương pháp quản lý lớp học online, các ứng dụng dạy học online, trình chiếu bài giảng online... để hướng dẫn học sinh và phụ huynh.
Cô Hương chia sẻ: “Khó khăn trong việc tổ chức dạy học online không chỉ là các ứng dụng dạy học, đường truyền không ổn định mà còn là việc rất khó quản lý lớp học khi mà số lượng học sinh học online đông. Có những lúc lớp ồn ào, nhốn nháo, giáo viên nhắc nhở các con tắt mic nhưng cả phụ huynh và học sinh đều không biết thao thác thực hiện, giáo viên lại phải dừng bài giảng để hướng dẫn. Chưa kể, việc sử dụng các ứng dụng dạy và học liên tục cập nhật để đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình học.”
Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên sau quá trình triển khai dạy học online đều khẳng định phương thức dạy học này nếu thiếu vai trò của phụ huynh sẽ không để có hiệu quả. Khác với hình thức học trên lớp có sự hướng dẫn, tương tác cũng như giám sát trực tiếp của giáo viên với học sinh, học trực tuyến đòi hỏi tính tự giác của học sinh rất cao. Phụ huynh không chỉ đóng vai trò hỗ trợ về phương tiện, kỹ thuật giúp con tiếp cận với học trực tuyến mà còn phải đốc thúc và tăng cường ý thức học tập cho học sinh tại nhà.
Rõ ràng, gánh nặng trong việc khắc phục những khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình dạy học online đang dồn lên giáo viên, học sinh và phụ huynh, trong khi đa số họ đều còn nhiều bỡ ngỡ với phương pháp dạy và học mới. Nếu khắc phục được những trở ngại này thì cả người dạy và người học sẽ tiếp cận được phương pháp giáo dục 4.0, bắt nhịp được với những kiến thức, công nghệ hiện đại, sẵn sàng chủ động học tập, làm việc trong mọi tình huống./.