Đề Lịch sử vừa sức nhưng không dễ đạt được điểm cao

Theo đánh giá chung của nhiều thí sinh, đề bài môn Lịch sử vừa sức, không lắt léo, đánh đố nhưng vẫn đảm bảo phân loại thí sinh.
Đề Lịch sử vừa sức nhưng không dễ đạt được điểm cao ảnh 1Ra khỏi phòng thi, thí sinh tự đối chiếu kiến thức với kết quả bài làm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Kết thúc môn thi Lịch sử, nhiều sỹ tử tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học 2014 (khối C) bước ra khỏi phòng thi với vẻ mệt mỏi sau hai môn thi tự luận kéo dài. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của nhiều thí sinh, đề bài môn Lịch sử vừa sức, không lắt léo, đánh đố nhưng vẫn đảm bảo phân loại thí sinh.

Hoàng Thị Hoa (Chí Linh, Hải Dương), thí sinh dự thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Các câu hỏi trong đề bài bám sát chương trình học, sỹ tử chỉ cần ôn luyện kỹ những kiến thức cơ bản là hoàn toàn có thể kiếm điểm trên trung bình.”

Sỹ tử này cho biết thêm, nội dung câu hỏi trải đều các phần kiến thức cơ bản, thí sinh phải biết phân chia thời gian hợp lý thì mới có thể hoàn thành tốt bài thi. Ở câu hỏi số 2 và câu hỏi số 3, thí sinh chỉ cần nhớ chính xác các ý cơ bản và trình bày mạch lạc là có thể giành điểm cao.

“Đây là những câu hỏi để gỡ điểm, các yêu cầu của đề bài được nêu rất rõ ràng. Thí sinh không cần tư duy nhiều trong việc lựa chọn sự kiện, dẫn chứng để làm bài,” Hoa nói.

Có chung nhận xét như Hoa, Nguyễn Văn Lợi (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) cũng cho rằng, cấu trúc đề thi rất rõ ràng, vừa có những câu hỏi dễ để thí sinh ghi điểm, vừa có những câu hỏi buộc thí sinh phải tư duy, tránh được việc “học vẹt”; những học sinh khá, giỏi có “đất” để thể hiện năng lực của mình.

Thí sinh Nguyễn Văn Lợi chia sẻ, câu hỏi số 4 về việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần làm gì để bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực là một ví dụ rõ ràng nhất.

Theo cậu học sinh quê Thanh Hóa này, thí sinh không những phải nắm rõ ý chính đã được ôn tập mà phải tự liên hệ với những vấn đề thời sự để mở rộng câu trả lời của mình. “Em nghĩ, thí sinh phải thể hiện được những hiểu biết của mình về các vấn đề thời sự hiện nay như vậy thì mới được người chấm đánh giá cao và rộng tay hơn khi cho điểm,” Lợi nói.

Bên cạnh đó, việc đề thi yêu cầu xác định những biến đổi to lớn ở Đông Nam Á sau Chiến tranh Thế giới thứ hai dựa trên dữ liệu cho sẵn cũng buộc thí sinh phải biết cách chọn lọc thông tin và biết cách kết nối các sự kiện với nhau. “Em cảm thấy rất thích thú với kiểu đề bài này. Đề không quá khó nhưng để đạt điểm cao thì lại không hề dễ,” Lợi nói.

Đề Lịch sử vừa sức nhưng không dễ đạt được điểm cao ảnh 2Đề thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2014. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Có cách nhìn khác, em Trần Văn Đức, học sinh trường Trung học phổ thông Thanh Oai B (Hà Nội) cho rằng, kiến thức đề ra đều nằm trong chương trình học trong nhà trường. Tuy nhiên, đề có phần hơi dài. Một số câu cần có sự phân tích sâu dựa vào các dữ liệu, biến cố của lịch sử.

“Với 180 phút làm bài, thí sinh cần phải căng sức để trình bày những kiến thức cơ bản đồng thời cũng phải đưa ra góc nhìn, phân tích, đánh giá về tiến trình, diễn biến của dòng lịch sử. Từ đó, điểm thi của bài mới được chấm theo thang điểm cao nhất,” Đức chia sẻ.

Trong 4 câu hỏi, Đức bảo rằng, câu cuối là khó nhằn nhất đối với sỹ tử bởi khối lượng kiến thức lớn, đặc biệt, cách ra đề trúng với vấn đề thời sự là ổn định hòa bình, an ninh trong khu vực Đông Nam Á sau những tranh chấp trên Biển Đông trong thời gian vừa qua.

“Trước kỳ thi, các thầy cô đều cho chúng em ôn luyện dạng đề này để khi vào làm sẽ không bị bỡ ngỡ. Qua những lần học trên lớp và các cuộc thi, em khá tự tin với câu hỏi nội dung bao hàm dòng thời gian sự kiện quá dài và rộng. Tuy nhiên, ngoài kiến thức trên lớp, thí sinh cũng cần phải cập nhật những thông tin mới về tình hình trong khu vực qua các kênh thông tin tiếp cận để từ đó có cái nhìn toàn cảnh, bao quát hơn,” Đức đưa ra quan điểm.

Ngoài ra, Đức cũng đưa ra nhận định, đề Sử năm nay cũng giống như những năm trước, chỉ cần thí sinh học và nắm chắc nội dung trong chương trình lớp 12 thì sẽ làm tương đối khoảng hơn 60% nhưng sẽ không có nhiều điểm cao.

Đứng bên cạnh, thí sinh Nguyễn Thị Đào (Sông Công, Thái Nguyên) lại tỏ rõ sự đăm chiêu về kết quả làm bài thi.

Theo Đào, khi phát đề xong, những câu nào dễ nhất em đều tranh thủ tập trung làm để phân phối thời gian một cách hợp lý cho các câu còn lại. Thế nhưng, cô học sinh đến từ Thái Nguyên này cũng bảo, đề Sử hơi dài và đòi hỏi cao sự phân tích vấn đề xuyên suốt theo chuỗi sự kiện.

“Chỉ ngay câu đầu tiên, thí sinh đã phải liệt kê các cuộc kháng chiến in đậm dấu ấn về lòng yêu nước quật cường và vai trò của quần chúng nhân dân trong phong trào giải phóng dân tộc. Chưa dừng lại, các câu tiếp theo cũng yêu cầu thí sinh trình bày tiến trình của các thời kỳ các cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, Mỹ đồng thời chốt lại đề thi là quá khứ và hiện tại cũng như vai trò của Hiệp hội các nước Đông Nam Á trong vấn đề bảo vệ hòa bình, ổn định an ninh khu vực. Quá nhiều sự kiện khiến thí sinh phải chắc kiến thức mới có thể hoàn thành trọn vẹn bài,” Đào đánh giá về đề thi.

Kết thúc hai môn thi Địa và Sử của khối C trong ngày đầu tiên. Mỗi thí sinh đều có tâm trạng khác nhau nhưng ai cũng mong muốn môn thi Văn cuối cùng ngày mai sẽ hoàn thành bài thi một cách tốt nhất để đạt được ước mơ vào giảng đường đại học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục