Đề nghị Cục Hàng không báo cáo về thời gian làm việc của phi công

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo về chế độ thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với phi công.
Phi công tác nghiệp bên trong khoang lái của một chiếc Airbus A320 (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về tình hình thực hiện thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với phi công.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải giao đã cho Cục Hàng không Việt Nam trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải hàng không đối với các hãng hàng không dân dụng, trong đó có nội dung về chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với phi công.

Thời gian qua, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã tiến hành kiểm tra việc tuân thủ chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với phi công.

Vì vậy, để phối hợp phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn lao động, làm việc của các lao động đặc thù theo quy định của Bộ luật lao động, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo gửi cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình quy định chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với phi công, việc tuân thủ các quy định này tại các hãng hàng không trong thời gian qua.

[Vì sao chỉ mỗi phi công của Vietjet được nới bay thêm giờ?]

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Lao động-thương binh và Xã hội cũng có văn bản đề nghị Cục Hàng Không và các hãng hàng không báo cáo chế độ thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của phi công, gửi về Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) trước ngày 5/8.

Phi công của một hãng hàng không nội địa trao đổi trong khoang lái trước giờ bay (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo phát hiện một số phi công của Vietjet có thời gian làm việc vượt quá quy định tại Phần 15 của Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay (thời gian bay lớn hơn 100 giờ trong 28 ngày liên tục).

Ngày 15/6, Vietjet đã có công văn giải trình nguyên nhân dẫn tới việc vi phạm nêu trên xuất phát từ việc chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS) nhằm đảm bảo đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cập nhật, nhưng chưa cập nhật kịp thời các dữ liệu liên quan tới thời gian làm việc của người lái máy bay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục