Những cáo buộc chống lại sư trụ trì Thích Vĩnh Tín ở Thiếu Lâm Tự, nổi tiếng là một trong những cái nôi võ thuật, phải được chính quyền điều tra. Đây là tuyên bố của báo chí chính thống Trung Quốc, sau khi nhiều cựu hòa thượng ở Thiếu Lâm Tự cáo buộc ông này háo sắc và có hành vi chiếm đoạt tài sản chung.
Sư trụ trì Thích Vĩnh Tín (Shi Yongxin), lâu nay còn được biết tới với danh hiệu “nhà sư giám đốc điều hành” vì đã biến đổi Thiếu Lâm Tự thành một đế chế kinh doanh toàn cầu.
Tuy nhiên nhiều cựu hòa thượng ở ngôi chùa đã cáo buộc ông sống đời xa hoa, khi sắm một đội xe sang, biển thủ tiền từ một công ty do Thiếu Lâm Tự điều hành và thậm chí còn có con với 2 người phụ nữ.
"Một cái đinh thò lên phải bị đóng xuống, như ngạn ngữ cổ đã nói. Điều mà vị sư này làm đã gây tranh cãi ngay từ đầu,” tờ China Daily tuyên bố trong bài xã luận.
Phương trượng Thích Vĩnh Tín đã là nhân vật gây tranh cãi trong hơn 2 thập kỷ, sau khi ông này bắt đầu phát triển các hoạt động kinh doanh có liên quan tới Thiếu Lâm Tự. Tuy nhiên áp lực tăng lên cho thấy ông đã không còn có thể chống lại những lời chỉ trích nữa.
"Một cuộc điều tra do cơ quan hữu quan thực hiện là điều cần thiết,” tờ báo viết. “Việc doanh thu từ các hoạt động thương mại của Thiếu Lâm Tự được chi tiêu ra sao là điều cần phải được công khai.”
Hiện nay mới chỉ có cơ quan quản lý các vấn đề tôn giáo địa phương tuyên bố sẽ điều tra cáo buộc. Thiếu Lâm Tự đã bác bỏ các cáo buộc, nói rằng đây là những lời lăng mạ “ác độc”.
Thiếu Lâm Tự được thành lập vào năm 495 sau Công nguyên, được xem là nơi khai sinh Phật giáo Thiền tông, cũng như võ thuật của Trung Quốc.
Các nhà sư ở Thiếu Lâm Tự đã nổi tiếng trên khắp châu Á suốt nhiều thế kỷ. Trong vòng 50 năm qua, sự bùng nổ của điện ảnh và truyền hình đã khiến danh tiếng của họ tiếp tục lan rộng toàn cầu.
Gần đây Thiếu Lâm Tự lại gây chú ý khi triển khai một dự án trị giá khoảng 281 triệu USD ở Australia, với mục tiêu xây dựng một nơi thờ tự, một học viện đào tạo võ thuật bên cạnh một khách sạn và sân golf.
Thích Vĩnh Tín, nhà sư Trung Quốc đầu tiên có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh, đã bác bỏ từ lâu rằng hoạt động làm ăn của Thiếu Lâm Tự có động cơ lợi nhuận. Ông nói rằng mình hài lòng vì đã thúc đẩy “văn hóa Thiếu Lâm” ra ngoài biên giới Trung Quốc./.