Đề thi không khó và ở mức tương đương đề thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 là nhận định chung của nhiều giáo viên về đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tối qua, 31/1.
Ở môn Ngữ văn, chia sẻ về đề thi tham khảo, tiến sỹ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên chuyên luyện thi ở Hà Nội cho hay nhìn chung đề không thay đổi so với năm trước, từ cấu trúc đến mức độ đề.
Cụ thể, đề có cấu trúc quen thuộc gồm phần đọc hiểu (3 điểm, với 4 câu hỏi, ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa) và phần làm văn (7 điểm, gồm câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học.) Ở phần đọc hiểu là hai câu đầu ở mức nhận biết, câu thứ ba ở mức thông hiểu và câu thứ 4 ở mức vận dụng cao.
Phần làm văn, câu nghị luận xã hội không thay đổi, với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày quan điểm của thí sinh về một khía cạnh của vấn đề liên quan đến ngữ liệu ở phần đọc hiểu. Câu nghị luận văn học cũng là dạng bài mang tính truyền thông. “Đây là các dạng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học trung học phổ thông,” cô Tuyết cho hay.
“Nhìn chung, nếu đề tham khảo đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới,” cô Tuyết nhận định.
Với môn Toán, thầy Nguyễn Công Chính, giáo viên Trung tâm Tuyensinh247.com cho biết đề tham khảo có mức độ tương đương so với đề thi Tốt nghiệp trung học phổ thông 2021. Đề không khó và tính phân loại không quá cao. Theo thầy Chính, học sinh có thể dễ dàng giải quyết 40 câu đầu trong tổng số 50 câu hỏi của đề thi, là những câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, thậm chí nhiều câu đọc đề xong có thể chọn ngay được đáp án. Độ khó tăng dần từ câu thứ 41 với khoảng 5 câu cuối ở mức vận dụng cao. Tuy nhiên, về cơ bản, các câu hỏi này cũng là những dạng câu hỏi quen thuộc với học sinh trong quá trình ôn thi.
“Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu là khoảng 8 điểm, học sinh trung bình có thể làm được mức 7-8 điểm, học sinh khá giỏi hoàn toàn có thể đạt 9-10 điểm,” thầy Chính ước lượng.
Với các môn Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, phân tích về ma trận đề của các giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng cho thấy có sự tương đồng với năm 2021 cả về cấu trúc và độ khó.
Cụ thể, môn Ngoại ngữ có khoảng 80% câu hỏi ở mức vận dụng và thông hiểu. Các câu hỏi về kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm…đều là kiến thức cơ bản trong khi bài đọc hiểu cũng là các chủ đề quen thuộc với học sinh.
Ở bài thi Khoa học Tự nhiên, phạm vi kiến thức tới 90% ở chương trình lớp 12, 10% ở chương trình lớp 11. Cấu trúc đề gồm 75% câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, 25% ở mức vận dụng và vận dụng cao.
[Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022]
Môn Vật lý có 45% số câu hỏi là bài tập tính toán, 55% số câu hỏi lý thuyết. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ. Các câu hỏi khó vẫn rơi vào các chuyên đề quen thuộc trong chương trình vật lý lớp 12 là dao động cơ, sóng cơ và sóng âm, điện xoay chiều và hạt nhân nguyên tử. Tỷ lệ câu hỏi ở mức vận dụng và thông hiểu chiếm 80%.
Môn Hóa học có 72,5% số câu lý thuyết; 27,5% câu hỏi bài tập tính toán. Trong 40 câu hỏi của môn Hóa có tới 30 câu ở mức vận dụng và thông hiểu, chiểm tỷ lệ 75%. Đề chỉ có 4 câu hỏi ở mức vận dụng cao thuộc các chương đại cương kim loại, tổng hợp hóa vô cơ, este - lipit.
Ở môn Sinh học, tỷ lệ số câu hỏi lý thuyết và bài tập là 70-30, trong đó có 75% ở mức nhận biết và thông hiểu. 25% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao đều thuộc các chương: di truyền học quần thể, di truyền học người, cơ chế di truyền và biến dị, quần xã sinh vật.
Trong khi đó, ở bài thi Khoa học Xã hội, đề thi được đánh giá là dễ hơn. Đề thi môn Lịch sử thậm chí dễ hơn. Nếu năm 2021, đề có khoảng 75% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu thì ở đề tham khảo, tỷ lệ này là 80%. 20% câu hỏi còn lại ở mức vận dụng và vận dung cao đều thuộc phần lịch sử Việt Nam. Tương tự, tỷ lệ câu hỏi ở mức vận dụng, thông hiểu của môn Địa lý cũng tăng từ khoảng 70% (năm 2021) lên khoảng 75% trong đề tham khảo năm nay. Các câu hỏi còn lại tăng độ khó nhưng nhìn chung dễ hơn so với năm 2021, không có các câu hỏi mang tính so sánh hay thời sự.
Giáo dục công dân là môn được đánh giá dễ nhất của kỳ thi. Đề năm nay được các giáo viên nhận định là tương đương so với năm 2021, năm mà môn học này đã có một “cơn mưa” điểm 10./.