Đề xuất 5 phương án ngưỡng tối thiểu thi đại học 2014

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến các trường đại học, cao đẳng về 5 phương án tính ngưỡng tối thiểu mới thay cho điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến các trường đại học, cao đẳng về 5 phương án tính ngưỡng tối thiểu mới thay cho điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014.

Các phương án gồm:

Phương án 1: Phân tầng theo tổng điểm 3 môn thi

Theo phương án này, các tiêu chí bảo đảm chất lượng nguồn tuyển gồm tổng điểm ba môn thi đại học và điểm ưu tiên theo ngành đào tạo được nhân hệ số.

Cụ thể, điểm sàn tính theo tổng điểm ba môn thi của từng khối thi. Điểm sàn được tính trên cơ sở phổ điểm và bảo đảm tổng nguồn tuyển vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Đối với mỗi khối thi, xác định 3 mức điểm sàn (cao, trung bình, thấp) để các trường lựa chọn. Điểm môn ưu tiên tính theo ngành đào tạo, được nhân hệ số.

Với phương án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ dựa vào phổ điểm kết quả thi của từng khối thi, cân nhắc về tổng chỉ tiêu và tổng nguồn tuyển. Hội đồng xét chất lượng đầu vào xác định cho mỗi khối thi 3 mức điểm sàn, làm cơ sở cho Bộ công bố.

Các trường đại học, cao đẳng dựa trên đặc thù của các ngành đào tạo để xác định khối thi và môn ưu tiên cùng hệ số ưu tiên cho từng ngành đào tạo của trường.

Sau khi Bộ công bố các mức điểm sàn, trường căn cứ vào đặc thù của mình và tình hình tuyển sinh các năm để xác định mức điểm sàn tương ứng (các trường đại học chỉ được chọn mức cao hoặc trung bình).

Các trường xét tuyển các thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn (do trường chọn) trở lên. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn thi theo khối thi, có nhân hệ số đối với môn ưu tiên của ngành. Việc xét tuyển thưc hiện theo nguyên tắc lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu

Phương án 2: Phân nhóm

Tiêu chí bảo đảm chất lượng nguồn tuyển gồm ngưỡng điểm đối với môn chính của từng ngành và tổng điểm ba môn thi theo khối thi được xác định trên cơ sở  phân tích phổ điểm của từng môn thi trong khối thi. Đối với mỗi môn thi, xác định 4 mức ngưỡng khác nhau để các trường lựa chọn.

Theo phương án này, dựa vào phổ điểm kết quả thi của từng môn của khối thi, hội đồng xét chất lượng đầu vào xác định 4 giá trị ngưỡng điểm P1, P2, P3, P4 sao cho: Đạt điểm P1 trở lên có 30% thí sinh trong tổng số thí sinh dự thi; P2 trở lên có 45% thí sinh trong tổng số thí sinh dự thi; P3 trở lên có 60% thí sinh  trong tổng số thí sinh dự thi; P4 trở lên có 75% thí sinh trong tổng số thí sinh dự thi. Tỷ lệ phần trăm này có thể thay đổi do hội đồng xét chất lượng đầu vào đề xuất, Bộ trưởng quyết định

Bộ công bố các mức điểm P1, P2, P3, P4 của tất cả các môn thi để các trường tự chủ xây dựng phương án xét tuyển, Bộ không ấn định mức điểm chung nào.

Các trường đại học, cao đẳng tùy theo đặc thù của trường cũng như ngành đào tạo, xác định và công bố công khai môn thi chính ứng với từng ngành.

Trên cơ sở các mức điểm của tất cả các môn thi do Bộ công bố và quy định của trường về môn thi chính, lựa chọn mức tối thiểu đối với từng môn và xác định ngưỡng xét tuyển là tổng điểm theo mức tối thiểu của 3 môn theo khối thi và ngưỡng đối với môn chủ chốt.

Các trường xét tuyển các thí sinh có điểm môn chủ chính và tổng điểm 3 môn theo khối thi đạt từ ngưỡng xét tuyển trở lên theo nguyên tắc lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Trong tuyển sinh theo phương án này, trường đại học chỉ được phép chọn từ mức P3 trở lên và môn chính chỉ được chọn mức P1, P2. Đối với trường cao đẳng, môn chính không được chọn mức P4.

Đề xuất 5 phương án ngưỡng tối thiểu thi đại học 2014 ảnh 1Thí sinh làm thủ tục dự thi. (Ảnh: TTXVN)
 

Phương án 3: Kết hợp ngưỡng chất lượng theo khối thi và môn thi.

Tiêu chí bảo đảm chất lượng của phương án này gồm tổng điểm 3 môn theo khối thi (điểm sàn) và điểm tối thiểu theo môn thi.

Điểm sàn được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm tổng 3 môn thi theo khối thi. Đối với mỗi khối thi, có 3 mức điểm sàn (mức cao, trung bình, thấp) để các trường lựa chọn.

Điểm tối thiểu theo môn thi tương ứng với ngành đào tạo được xác định trên cơ sở phân tích phổ điểm của từng môn thi. Đối với mỗi môn thi, có 3 mức (cao, trung bình, thấp) để các trường lựa chọn.

Với phương án này, Bộ dựa vào phổ điểm kết quả thi của từng môn thi của khối thi, hội đồng xét chất lượng đầu vào xác định 3 giá trị ngưỡng điểm P1, P2, P3 đối với từng môn thi.

Căn cứ phổ điểm của tổng 3 môn thi theo khối thi, hội đồng xét chất lượng đầu vào xác định 3 giá trị điểm sàn đối với từng khối thi.

Bộ công bố các mức điểm P1, P2, P3 của tất cả các môn thi và mức điểm sàn ứng với khối thi để các trường tự chủ xây dựng phương án xét tuyển, Bộ không ấn định mức điểm chung nào.

Các trường đại học, cao đẳng tùy theo đặc thù của trường cũng như ngành đào tạo, xác định và công bố công khai môn thi chính ứng với từng ngành (xác định ngưỡng theo môn) hoặc xác định khối thi đối với từng ngành (xác định ngưỡng theo khối thi). Nếu xác định ngưỡng chất lượng theo môn, phải chọn ít nhất 1 môn chủ chốt và một trong 2 môn toán và văn (ngành toán, văn có thể chỉ chọn 1 môn).

Trên cơ sở các mức điểm của tất cả các môn thi và khối thi do Bộ công bố và quy định của trường về phương thức xác định ngưỡng chất lượng đầu vào, trường lựa chọn mức điểm sàn hoặc lựa chọn “ngưỡng” điểm xét tuyển đối với các môn thi tương ứng với từng ngành.

Các trường đại học chỉ được phép chọn điểm sàn ở mức cao hoặc trung bình; khi chọn mức điểm xét tuyển  đối với từng môn cũng chỉ được chọn ở mức P1 và P2; các ngành văn, toán nếu chỉ chọn một môn, phải chọn mức P1.

Trường xét tuyển các thí sinh có tổng điểm 3 môn theo khối thi không thấp hơn điểm sàn theo quy định của trường, không có môn nào bị điểm 0 hoặc các thí sinh có điểm các môn theo ngành đào tạo đạt từ “ngưỡng” xét tuyển trở lên, không có môn nào của khối thi bị điểm 0. Xét tuyển theo nguyên tắc lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Phương án 4: Tính theo đặc thù vùng miền

Với phương án này, khu vực tuyển sinh sẽ được chia thành 6 vùng gồm miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ.

Các trường thống kê điểm của thí sinh vào trường trong khu vực theo khối thi, chia nhóm kết quả theo từng khối thi trong từng khu vực (3 nhóm hay 4 nhóm.) Nhóm 1: 30% số thí sinh đạt yêu cầu. Nhóm 2: 50% số thí sinh đạt yêu cầu. Nhóm 3: 70% số thí sinh đạt yêu cầu.

Các trường tùy theo khả năng tuyển sinh của mình xác định nhóm tuyển sinh phù hợp.

Thí sinh có thể dịch chuyển từ khu vực này sang khu vực khác nếu có kết quả thi phù hợp.

Các trường tuyển thí sinh có kết quả từ cao xuống thấp cho đến giới hạn của nhóm.

Phương án 5: Xác định theo ngưỡng chính thức và ngưỡng dự bị.

Theo phương án này, phổ điểm ba môn thi sẽ được chia thành 4 mức 25%, 50%, 65% và 80%.

Đợt xét tuyển thứ nhất các trường đại học tùy theo khả năng tuyển sinh của mình, ưu tiên gọi thí sinh trong nhóm 25% hay nhóm 50%.

Đợt hai những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu có thể xét tuyển thí sinh đến nhóm 65%.

Những thí sinh có mức điểm ngưỡng 50% và 65% trước khi vào học chính thức phải học bổ sung kiến thức 6 tháng.

Nhóm 80% dành cho các trường cao đẳng tuyển sinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục