Đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển Hội An một cách bền vững

Cấm tất cả các hình thức khai thác cát ven sông Thu Bồn, quanh sông Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An là một trong những giải pháp nhóm nghiên cứu đề xuất để bảo vệ bờ biển Hội An khỏi bị xâm thực.
Đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển Hội An một cách bền vững ảnh 1Bờ biển Hội An phải kè đá để làm chậm quá trình biển xâm thực. (Nguồn: Vietnam+)

Trong hai ngày 25-26/5, tại thành phố Hội An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, Đại sứ phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung… tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững.”

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết Quảng Nam có bờ biển dài trên 125km, trong đó, bờ biển Hội An là một trong những địa điểm đẹp, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng xói lở bờ biển diễn ra tại Hội An khá nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, biển xâm thực sâu vào đất liền từ 10-15m, chiều dài khoảng 2km.

Mặc dù Quảng Nam đã phối hợp với một số cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ bờ biển, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn. Vì vậy, khi dự án "Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững" được triển khai, có sự tham gia của các nhà khoa học trong nước, quốc tế chắc chắn sẽ đưa ra được những giải pháp căn cơ nhất nhằm cứu bờ biển Hội An.

Trên cơ sở đó, Quảng Nam mong muốn các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với địa phương triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ bờ biển Hội An một cách bền vững.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Kim Đan cho biết, từ 7/2016 đến nay, nhóm nghiên cứu dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững” đã thu thập dữ liệu, đo đạc, quan sát tại hiện trường (địa hình, sóng, dòng chảy và bùn cát); nghiên cứu hiện tượng quá trình xói lở bờ biển Hội An; tính toán sóng và dòng chảy ven bờ...

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp như cấm tất cả các hình thức khai thác cát ven sông Thu Bồn, quanh sông Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An.

Do các chất gây ô nhiễm trong trầm tích mắc kẹt tại các hồ chứa ở thượng lưu, vì vậy không nên xả trầm tích từ các hồ chứa này vào hạ lưu.

Nuôi bãi kết hợp đê ngầm trên chiều dài khoảng 6.500m dọc theo bờ biển.

Để tăng lưu lượng trầm tích từ cửa sông Thu Bồn lên đến bờ biển phía Bắc, cần nạo vét luồng có chiều rộng khoảng 200m, chiều sâu 8m, dọc theo bờ trái của cửa sông Cửa Đại, vì đây sẽ là nguồn bùn cát cần thiết cho việc nuôi bãi…

Ông Bertrand Lortholary, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam cho biết: "Hội An đang chịu ảnh hưởng do tình trạng xói lở bờ biển, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như môi trường sống. Chính vì vậy, Chính phủ Pháp quyết định đầu tư, hỗ trợ nghiên cứu để xác định thông tin một cách chính xác từ đó có phương án hỗ trợ cụ thể trong việc khắc phục xói lở bờ biển Hội An. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kêu gọi các nguồn tài trợ khác để xây dựng hệ thống rừng ngập mặn nhằm bảo vệ bờ biển một cách tốt nhất."

Tại Hội thảo, các nhà khoa học cũng đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc “cứu” bờ biển Cửa Đại như sử dụng hệ thống kè mỏ hàn, tường chắn sóng; tăng khối lượng bùn cát của sông thông qua việc đề ra các quy định để quản lý lưu lượng nước và thao tác xả bùn cát bằng sức nước từ các hồ chứa thượng nguồn…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục