Đề xuất các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, cải thiện tăng trưởng

Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là không quá lạc quan và chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
Báo cáo kinh tế-xã hội bốn tháng đầu năm cho thấy các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (PMI) Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế-xã hội tháng Tư và bốn tháng đầu năm tiếp tục có sự phục hồi mặc dù bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng phục hồi nhanh đồng thời hiệu quả quản trị, hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục cải thiện.

Tuy nhiên, vị tư lệnh ngành cũng nhận định mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo là có triển vọng song những rủi ro và bất định còn cao, đặc biệt là các vấn đề về giá cả, lạm phát. Ông nhấn mạnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 dự báo có khả năng ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng.

Ổn định vĩ mô, gỡ khó cho doanh nghiệp

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thêm vào đó một số chỉ tiêu có xu hướng tích cực.

Cụ thể, hoạt động thương mại và đầu tư duy trì đà tích cực, xuất khẩu hàng hóa bốn tháng liên tục tăng và đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước được thúc đẩy, đạt 86.000 tỷ đồng và bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,25 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, sản xuất-kinh doanh cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong bốn tháng đã quay trở lại mức tăng trưởng hai con số, đạt 10% so cùng kỳ năm 2020. Mặt khác, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng đạt mức tăng 10% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, áp lực cạnh tranh gia tăng khiến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên cao. Nhưng cùng với đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng tăng mạnh. Trong bốn tháng đầu năm, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký đạt 627.700 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,5% và tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký mới trong bốn tháng đầu năm 2021. (Ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý, các báo cáo hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được nâng cao. Cụ thể, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công-PAPI liên tục tăng điểm qua các năm. Bên cạnh đó, chỉ số năng lục cạnh tranh cấp tỉnh-PCI cũng không ngừng được cải thiện. Điều này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá mức độ năng động, sáng tạo và công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi của chính quyền cấp tỉnh đã có chuyển biến ngày càng rõ nét.

Về chính sách, ông Hoàng Công Tuấn. Trưởng bộ phận kinh tế, Công ty Chứng khoán MB cho hay việc Chính phủ ban hành Nghị định số 52/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng từ 4 đến 6 tháng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn 3 tháng và tiền thuê đất hoãn 6 tháng. "Các khoản thuế hoãn nộp này sẽ gia tăng dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới," ông Tuấn nói.

Đánh giá chung tình hình trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng nhanh, tạo điều kiện để thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thế nhưng, việc xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng vào cuối tháng Tư tại một số địa phương đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung cao độ cho công tác kiểm soát dịch, ảnh hưởng không nhỏ và cục bộ đến sản xuất kinh doanh ở một số nơi.

Không quá lạc quan

Trong bối cảnh dịch bệnh đang có nhiều dấu hiệu phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm của bộ là không quá lạc quan và không chủ quan, lơ là trước diễn biến dịch COVID-19 đồng thời bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ xem xét định hướng điều hành kinh tế vĩ mô theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, hợp lý để duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Với công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương, các ngành chức năng khẩn trương, quyết liệt thực hiện các biện kiểm soát, không để dịch bệnh lan rộng; tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, các tuyến biên giới…

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ khẩn trương rà soát các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục đất đai và giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, đô thị… đề xuất các giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn" của các dự án đầu tư trong cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu để thể chế hóa một số mô hình, cách làm hay, sáng tạo của các địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thể chế hóa một số mô hình, cách làm sáng tạo của các địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh. (Ảnh: Vietnam+)

Về giải ngân vốn đầu tư công, bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động theo dõi, rà soát kế hoạch đầu tư công năm 2021; đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn nhằm giải ngân hết số vốn được giao; thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Các tổ công tác này chịu trách nhiệm rà soát, xử lý ngay những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn" liên quan đến đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, định mức, suất đầu tư….

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021.

Đối với công tác điều hành giá, năng lượng tái tạo và tận dụng cơ hội từ hiệp định FTA, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả, cung cầu thị trường, nhất là nguyên vật liệu, đầu vào sản xuất như: sắt, thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi… đánh giá tác động đến nền kinh tế, đầu tư công; kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, tăng giá nhằm kiểm soát lạm phát, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cần khẩn trương nghiên cứu, thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như đẩy mạnh kết nối cung-cầu thị trường lao động và các hoạt động hỗ trợ tìm việc làm.

Cuối cùng là công tác phối hợp, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ chủ trì và phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành trong các lĩnh vực tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả theo đúng Quyết định số 1317/QĐ-TTg ngày 06/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời báo cáo, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan ổn định kinh tế vĩ mô./.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục