Đề xuất các giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông-Tây

Tại hội thảo ở Đà Nẵng, các đại biểu đã đề xuất giải pháp pháp triển logistics trong hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế phía Nam, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics.
Đề xuất các giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông-Tây ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Chiều 22/11, Hội thảo “Logistics kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây” và “Kinh tế chia sẻ trong logistics” đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Đây là các họt động trong khuôn khổ sự kiện “Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019,” do Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tại hội thảo, hơn 50 chuyên gia trong nước, quốc tế cùng đại diện hàng trăm doanh nghiệp logistics đã đề xuất và thảo luận những vấn đề thực tiễn, chiến lược của ngành logistics Việt Nam và các nước thuộc hành lang kinh tế Đông-Tây trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế toàn cầu và xu hướng phát triển của công nghệ số hiện nay.

Các đại biểu đã tập trung phân tích và đề xuất giải pháp pháp triển logistics trong hành lang kinh tế Đông-Tây, hành lang kinh tế phía Nam, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics.

Đặc biệt, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, giải pháp có tính thực tiễn cao nhằm thúc đẩy logistics như kiến nghị về việc nếu hàng quá cảnh tại Việt Nam có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì phải xử phạt chủ hàng chứ không xử phạt doanh nghiệp vận tải; cần sửa đổi các quy định không phù hợp trong Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia; nâng cấp cơ sở hạ tầng cầu đường tại các cửa khẩu biên giới; ứng dụng công nghệ số trong kiểm soát hàng hóa...

Theo ông Marco Civardi, Giám đốc vùng Việt Nam-Lào-Campuchia-Myanmar của Tập đoàn Maersk, chỉ tính riêng xuất nhập khẩu theo đường biển tại Việt Nam, từ 2017 đến 2020, lượng hàng container ước tính tăng từ 11% đến 12%. Việt Nam tiếp tục là cửa ngõ chính từ châu Âu, châu Mỹ, châu Á tới các nước trong hành lang kinh tế Đông-Tây.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh này, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng logistics và các tuyến thương mại; hướng tới sự minh bạch và đơn giản hóa với việc làm thủ tục hải quan điện tử; cải thiện toàn diện về chi phí, tốc độ và sự tin cậy của chuỗi cung ứng.

[Nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp từ kinh tế số]

Giáo sư Đào Nguyên Cát, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đánh giá đây là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam-Lào-Thái Lan-Campuchia trao đổi và lắng nghe ý kiến đánh giá của giới chuyên gia và các doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp về chính sách logistics hiện hành, qua đó cùng thúc đẩy ngành logistics hành lang kinh tế Đông-Tây phát triển, bắt kịp và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu.

Hành lang kinh tế Đông - Tây được thông tuyến vào năm 2006, là một tuyến giao thông đường bộ dài 1.450km, có cực Tây là thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar), đi qua Thái Lan, Lào và cực Đông là thành phố Đà Nẵng (Việt Nam).

Hành lang này giúp vùng Đông Bắc của Thái Lan và Lào tiếp cận với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.