Đề xuất giao ngành giáo dục chủ trì việc tuyển dụng giáo viên

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương nhưng không điều phối được và đề xuất việc tuyển dụng giáo viên nên giao cho ngành giáo dục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội, nhân dân và toàn xã hội. Do còn nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu trong phiên họp sáng 4/4 nên Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục dành trọn buổi chiều 5/4 để thảo luận về dự án Luật này.

Quy định liên quan đến nhà giáo là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Qua giám sát, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu lên tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương nhưng không điều phối được.

Theo đại biểu, nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Cụ thể, ngành Nội vụ chủ trì việc tuyển dụng giáo viên còn ngành giáo dục chỉ phối hợp. Thực tế này dẫn đến một số giáo viên hợp đồng, dạy rất tốt nhưng không được tuyển dụng. Bởi ngành giáo dục chỉ sử dụng con người và họ chỉ nhận được người vào làm việc sau khi tuyển dụng xong. Vì thế, đại biểu cho rằng cần xem lại cơ chế quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, theo đại biểu Phan Thái Bình, việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ là do vấn đề phân cấp. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý giáo viên bậc Trung học Phổ thông còn Ủy ban Nhân dân cấp huyện quản lý giáo viên từ bậc Mầm non đến Trung học cơ sở. Do đó, khi địa phương này thừa, nơi kia thiếu không thể điều chuyển được.

Đại biểu đề nghị vấn đề quản lý Nhà nước về giáo dục, đặc biệt là tuyển dụng giáo viên nên thống nhất giao cho ngành giáo dục. Việc này sẽ khắc phục được những bất cập nêu trên.

Về lo ngại vượt chỉ tiêu biên chế khi giao cho ngành giáo dục chủ trì việc này, đại biểu Phan Thái Bình phân tích tổng biên chế sẽ do ngành Nội vụ tham mưu cho Chính phủ hoặc Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện.

[Từ chuyện buồn của ngành giáo dục: Tuyển chọn giáo viên thế nào?]

Ngành Nội vụ giao tổng biên chế cho ngành giáo dục, việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên sẽ giao cho ngành giáo dục. Ngành giáo dục không được tuyển thừa, vượt chỉ tiêu biên chế được giao.

Nhiều đại biểu đề nghị cần có chính sách tiền lương ưu tiên đối với nhà giáo; đề nghị quy định cụ thể tiêu chuẩn, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác (không phải là nhà giáo) trong cơ sở giáo dục.

Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật cho rằng vấn đề chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm luôn được thể hiện nhất quán trong các nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước.

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật thiết kế quy định mang tính nguyên tắc về chính sách ưu tiên cho nhà giáo phù hợp đặc thù nghề nghiệp (Điều 77).

Việc xác định vị thế, vai trò của nhà giáo, về đặc thù ngành Giáo dục và quy định cụ thể về chính sách lương, phụ cấp bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp sẽ được Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong quá trình xây dựng đề án tiền lương mới trên nguyên tắc quy định bởi Luật này.

Về việc quy định rõ về yêu cầu, tiêu chuẩn và chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong cơ sở giáo dục, Thường trực Ủy ban cho đây là một ý kiến xác đáng.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh quy định về hiệu trưởng, quy định được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý trường học và đạt chuẩn hiệu trưởng (Điều 57).

Đối với giáo viên đặc thù và các vị trí việc làm khác trong các cơ sở giáo dục, Thường trực Ủy ban đề nghị giao Chính phủ quy định ở văn bản dưới luật để phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của cơ sở giáo dục theo từng loại hình, từng cấp học.

Tại hội nghị, quan tâm đến vấn đề dạy thêm, học thêm, một số đại biểu cho rằng quy định nhà giáo không được ép buộc học sinh học thêm để thu thêm tiền (Điều 22 dự thảo Luật) chưa bao quát hết những bức xúc từ dư luận xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dẫn chứng: “Giờ học thêm dạy kiến thức chính, giờ học chính dạy kiến thức khác. Vì thế, nhiều học sinh phản ánh nếu không học thêm chỉ được 5 điểm, trong khi học thêm sẽ được 8, 9 điểm. Rõ ràng trong trường hợp này, giáo viên sử dụng phương thức như vậy dẫn tới không cần ép, con em cũng phải đăng ký học thêm."

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung các quy định nhà giáo không được làm trong đó có việc cố ý không dạy hết, không dạy đủ chương trình để tổ chức dạy thêm.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu tối đa, đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là những nội dung mà các đại biểu đã đồng tình ngay sau hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo bổ sung kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật, giải trình kỹ lưỡng về các nội dung để các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin trước khi lựa chọn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục