Đề xuất không hỗ trợ thiệt hại cho những hộ dân tự ý tái đàn lợn

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thống nhất chủ trương không hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ dân tự ý tái đàn lợn khi xảy ra dịch bệnh.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bệnh. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang bùng phát mạnh và không có dấu hiệu dừng lại trong khi giá lợn hơi ở Cà Mau đang tăng lên.

Đây là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh tự ý tái đàn lợn, gây nhiều khó khăn trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh.

Trước thực trạng này, mới đây Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có Công văn số 7905/UBND-NNT đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thống nhất chủ trương không hỗ trợ thiệt hại đối với các hộ dân tự ý tái đàn lợn khi xảy ra dịch bệnh bị tiêu hủy.

[Giá thịt lợn tăng cao, người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn]

Liên quan đến vấn đề trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Thanh Triều cho hay cơ quan chức năng tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo đến các hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh, nếu không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học và chưa được chính quyền địa phương cho phép thì không được tự ý tái đàn, nhằm góp phần ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng.

Trước mắt, chính quyền các địa phương tích cực vận động, hướng dẫn hộ dân tạm thời chuyển đổi từ mô hình nuôi lợn sang đối tượng nuôi khác phù hợp để tạo việc làm, ổn định nguồn thu nhập.

Tính đến giữa tháng 11/2019, Cà Mau có 81 xã trong số 101 xã, phường và thị trấn của tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, với số lượng lợn buộc phải tiêu hủy gần 10.000 con, tương đương 664 tấn lợn.

Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã xuất ngân sách gần 40 tỷ đồng phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho nhiều hộ chăn nuôi có đàn lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục