Đề xuất thu phí phóng vệ tinh để giảm mối nguy từ rác vũ trụ

Rác vũ trụ đang trở thành mối đe dọa hiện hữu, để xử lý vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng các nước nên thu phí "tắc nghẽn quỹ đạo" đối với các nhà khai thác vệ tinh.
Đề xuất thu phí phóng vệ tinh để giảm mối nguy từ rác vũ trụ ảnh 1Tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX mang theo các vệ tinh Starlink được phóng đi từ căn cứ không quân Cape Canaveral, bang Florida, Mỹ ngày 29/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Rác vũ trụ đang trở thành mối đe dọa hiện hữu. Để xử lý vấn đề này, các nhà nghiên cứu cho rằng các nước nên thu phí "tắc nghẽn quỹ đạo" đối với các nhà khai thác vệ tinh. 

Có một lượng lớn rác vũ trụ, từ các vệ tinh đã chết cho đến những tên lửa, những mảnh vụn, đang bay quanh Trái Đất. Do đó, các cơ quan vũ trụ hàng không vẫn luôn phải điều chỉnh quỹ đạo của vệ tinh để tránh các vụ va chạm.

Trước thực tế thế giới đang ngày càng phụ thuộc vào hạ tầng không gian để duy trì các liên kết liên lạc và điều khiển các thế hệ mới của các loại phương tiện không người lái, các nhà khoa học cảnh báo mối nguy tiềm ẩn từ rác thải vũ trụ tăng theo cấp số nhân. 

Theo kết quả phân tích kinh tế, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Colorado (Mỹ) cho rằng cách thức tốt nhất để giải quyết mối nguy này là buộc các nhà vận hành vệ tinh trả phí hằng năm cho mỗi vệ tinh được phóng.  

[Video] Rác vũ trụ - Hiểm họa của Trái đất trong tương lai

Ông Matthew Burgess, một trong những tác giả của nghiên cứu này, cho rằng việc thu phí phóng vệ tinh nên được đưa vào một công ước quốc tế, từ đó khiến các công ty phải cân nhắc kỹ về những rủi ro khi tạo ra rác trên vũ trụ hoặc họ sẽ phải làm chệch quỹ đạo của vệ tinh nếu cần thiết.

Theo ông, thế giới cần một chính sách cho phép các nhà vận hành vệ tinh trực tiếp tính toán chi phí mà các lần phóng của họ áp đặt cho các nhà khai thác. 

Theo các quy định hiện hành, các nhà khai thác vệ tinh không thể bảo đảm quyền sở hữu độc quyền trên các quỹ đạo hoặc được bồi thường khi xảy ra va chạm do rác từ các nhà vận hành vệ tinh khác. Thực tế này là yếu tố thúc đẩy các công ty chạy đua vào vũ trụ để kiếm tiền trước khi mật độ vệ tinh trở nên quá đông đúc. 

Ông Akhil Rao - tác giả nghiên cứu, cho biết giải pháp cho đến nay mới chỉ tập trung vào cải tiến mang tính kỹ thuật như dùng lưới thu gom rác - điều không thể giải quyết vấn gốc rễ.

Người đứng đầu Cơ quan vũ trụ hàng không châu Âu, Holger Krag đánh giá đây là ý kiến hay và cơ quan này đang xem xét các cách tiếp cận tương tự, cũng như cân nhắc các cách thức để đánh giá tác động của môi trường đối với các sứ mệnh trong không gian. 

Tuy nhiên, kế hoạch này khó có khả năng thực hiện. Theo Giáo sư về luật hàng không vũ trụ thuộc Đại học Northumbria ở Anh, Christopher Newman, việc thu phí này sẽ được xem là hạn chế đối với các điều khoản về tự do sử dụng không gian theo Hiệp ước vũ trụ năm 1967 và để các nước chấp thuận kế hoạch này là điều không dễ dàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục