Đem cả tinh hoa, khí chất của đất trời cho thiên hạ

Để ra được nén hương ưng ý, người Cao Thôn phải phối trộn 30 loại hương liệu tự nhiên khác nhau với những bí quyết gia truyền riêng.
Để ra được một nén hương ưng ý, người Cao Thôn phải phối trộn 30 loại hương liệu tự nhiên khác nhau với những bí quyết gia truyền riêng. Không chỉ vậy, mỗi nén hương còn là sự hội tụ tinh hoa, khí chất của cả đất trời bởi mỗi người làm nghề phải thức dậy từ lúc nửa đêm để sản phẩm được hưởng trọn cái nắng của một ngày...

Kỹ nghệ làm hương

Làng nghề Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) ẩn mình trong một lớp bụi vàng mỏng nhẹ và nồng nàn hương thơm của các loại thảo mộc hoà trộn.

Tay thoăn thoắt se hương, bà Đào Thị Đáp, người có thâm niên hơn 40 năm làm hương xạ ở Cao Thôn kể rằng, trải qua nhiều thăng trầm, hương xạ của Cao Thôn có đặc điểm “nhận dạng” riêng từ mùi thơm, độ bắt lửa cho đến hình thức. Trong đó, “mùi thơm rất đặc trưng của thảo mộc, nhẹ mà thanh, không sực nức xộc thẳng vào mũi như một số loại hương tẩm hoá chất thơm là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để làm nên thương hiệu hương xạ Cao Thôn.

“Để có được sản phẩm như vậy, nguyên liệu là điều vô cùng quan trọng,” người thợ lành nghề nhấn mạnh.

Nguyên liệu làm hương chủ yếu là dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hoá… Dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc có mùi hương như: xuyên đại hoàng, trắc bách diệp, đinh hương, hồi, quế và đặc biệt là gỗ trầm...

Bà bảo, theo đúng lời các cụ ngày xưa truyền dạy thì phải có tới trên 30 loại thảo mộc mang dược tính trị các loại bệnh phong hàn, chướng khí… Một số là từ trong nước, một số phải mua của các nước lân cận.

Khi được hỏi về tỷ lệ pha chế, bà nở nụ cười hiền hậu: “Cái này thì khó có câu trả lời cụ thể lắm! Tuỳ từng thợ, từng nhà sẽ có những công thức riêng mà cho ra các loại hương với mùi thơm khác nhau. Cách pha chế của mỗi người mỗi khác, như một bí quyết gia truyền.”

Người Cao Thôn vẫn luôn tâm niệm: Nén hương trầm là một trong những “linh khí” nằm trong tín ngưỡng văn hóa người Việt, là cầu nối giữa nhân gian với các thần linh và những người đã khuất... Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên cái tâm làm nghề không cho phép cẩu thả.

Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se, nén đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Các công đoạn đòi hỏi sự chú tâm của người thợ, phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý.

Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Quệt giọt mồ hôi lăn dài trên má, chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Nghề làm hương cũng nhiều cơ cực. Người làm nghề phải thức dậy từ khoảng 3-4 giờ sáng để kịp khi mặt trời lên là có hương mang ra phơi cho kịp nắng.

Người Cao Thôn bảo, tuyệt đối không thể sấy hương qua lửa, sấy trong lò bởi như thế, hương sẽ mất mùi thơm tự nhiên. Cẩn thận hơn, với mỗi mẻ hương, trước khi đóng gói thành phẩm, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem hương có cháy đều không, hương thơm ra sao, làn khói toả như thế nào,…

Anh Nguyễn Văn Bền, người thợ gắn bó với nghề gần hai thập kỷ, động tác nhịp nhàng, thoăn thoắt: Một tay giữ lõi khuôn, một tay lắc đều rải xếp quấn vòng hương. Nụ cười thường trực trên môi, anh bảo: “Để làm quen với công việc thì có thể mất 1-2 tháng nhưng để có thể thành thạo và nhanh thế này thì ít nhất phải có hai năm kinh nghiệm.”

Hương quê xuất khẩu

Tiếp chuyện chúng tôi, trưởng thôn Nguyễn Xuân Quang cho biết: Mặc dù công nghệ sản xuất không quá phức tạp, nguồn nguyên liệu tự nhiên khá dồi dào nhưng cũng cần phải có “duyên” thì mới sống được bằng nghề.

Trước kia hương xạ chủ yếu được làm để phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn. Người dân cũng chỉ thường làm hương những lúc nông nhàn. Thông thường, công việc tập trung, nhộn nhịp nhất là dịp trước Tết Nguyên đán và mùa lễ hội với quy mô sản xuất theo hộ gia đình. Nhà ít vốn khoảng dăm ba triệu đồng, hộ nhiều vốn lên tới hàng trăm triệu đồng.

Gia đình đã năm đời gắn bó với nghề làm hương, chị Nguyễn Thị Hồng cho hay, trung bình để đầu tư xây dựng một xưởng sản xuất hương có đầy đủ các khu se hương, rũ hương và đóng gói ngừơi dân cũng phải mất từ 300-400triệu đồng.

Một trong những cơ sở sản xuất quy mô lớn ở Cao Thôn hiện nay phải kế đến là cơ sở hương Thế Hưng của ông Đào Văn Cơ. Hiện cơ sở này đã xây dựng được nhà xưởng thu hút trên 40 lao động thường xuyên, có cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, thường xuyên xuất hàng đi Ấn Độ, Trung Quốc...

Một số gia đình làm ăn phát đạt đã ra thành phố mở hiệu chuyên bán hương nổi tiếng một thời như Quảng Thái, Hoàng Phát (Hà Nội), Hồng Phúc (Huế), Đồng An Xương (Sài Gòn),… Đến thời vụ làm hương, vào hai tháng giáp Tết nguyên đán, người Cao Thôn còn đổ ra các thành phố, thị xã làm hương bán tại chỗ để giảm bớt chi phí chuyên chở. Trung bình một xưởng hương sản xuất từ 7-10 tạ/ngày.

Ông Nguyễn Xuân Quang không giấu nổi niềm tự hào: “Hiện nay, ở Cao Thôn có khoảng 600 lao động làm hương, sản lượng Hương Xạ xấp xỉ 15 triệu nén/năm với doanh thu khoảng ba tỷ đồng.”

Rời làng hương khi những đốm lửa chiều đã nhen, mùi hương vẫn phảng phất trong áo người lữ khách, lại thấy sự kỳ công của những người thợ vùng quê đất bãi. Mong sao, thương hiệu hương Cao Thôn sẽ ngày càng khởi sắc, để ngày càng có nhiều người gắn bó với nghề, xây dựng nông thôn mới, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.