"Trở về đất mẹ" là tên gọi đêm nhạc đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư, nhạc sỹ, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Văn Thương (1919-2019), sẽ diễn ra tối 19/5 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.
Đây là đêm nhạc đặc biệt do Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức nhằm tri ân những đóng góp to lớn của giáo sư, nhạc sỹ, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Văn Thương với nền âm nhạc nước nhà.
Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều thế hệ nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú được nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương phát hiện, đào tạo như nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ, nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền, nghệ sỹ ưu tú Quang Huy, nghệ sỹ nhân dân Thái Bảo, nghệ sỹ ưu tú Đức Long… cùng các nghệ sỹ trẻ.
Chủ đề "Trở về đất mẹ" cũng là tên một tác phẩm kinh điển của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương bao trùm toàn bộ ý tưởng chương trình.
Đêm nhạc gồm 3 phần, phần đầu giới thiệu các tác phẩm tân nhạc của ông; phần là có tên "Đất mẹ Đồng Khởi" và phần thứ 3 "Dâng Người tiếng hát mùa Xuân."
Phần 1 sẽ mở đầu với màn khai từ "Trở về đất mẹ" do dàn nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia biểu diễn.
Đất mẹ ở đây là xứ Huế thơ mộng, nơi nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương chào đời và trưởng thành. Thời kỳ này ông đã sáng tác khá nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ, vì vậy trong phần này không thể thiếu được các ca khúc: "Đêm đông," "Bướm hoa," "Trên sông Hương," "Bài ca đã hẹn," "Những bông hoa đầu Xuân," "Bài ca trên núi."
[Dành tặng “Quà tháng 5 dâng Người” nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ]
Phần 2 "Đất mẹ Đồng Khởi" nói về giai đoạn nhạc sỹ tham gia cách mạng, đi theo kháng chiến. Phần này gồm hòa tấu "Ngày hội non sông," ca khúc "Dân ta đánh giặc anh hùng," hát múa "Bài ca Việt-Lào," ca khúc "Thư xa gửi mẹ" và "Bình Trị Thiên khói lửa."
Đáng chú ý là hòa tấu "Ngày hội non sông" được nhạc sỹ viết năm 1968, do các Nghệ sỹ Ưu tú Mạnh Hùng, Đinh Linh, Văn Ngư, Xuân Chung và dàn nhạc biểu diễn.
Ca khúc "Bình Trị Thiên khói lửa" ra đời trong kháng chiến chống Pháp, khi Nguyễn Văn Thương làm công tác tuyên truyền ở mặt trận Bình Trị Thiên. Đây là khúc tráng ca về quê hương Bình Trị Thiên ông đã viết trong một đêm xúc động khi nghe tin quê hương bị quân xâm lược giày xéo.
Ca khúc đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Tiết mục do các nghệ sỹ gạo cội: nghệ sỹ nhân dân Quang Thọ Quang Thọ cùng các nghệ sỹ ưu tú Quang Huy, Thanh Vinh, Minh Đức, Mạnh Hà thể hiện kết hợp với trống Ketsle và dàn nhạc đệm sẽ là một điểm nhấn của chương trình.
Phần 3 "Dâng Người tiếng hát mùa Xuân" ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh và những thành tựu đạt của đất nước trong công cuộc giành độc lập dân tộc, đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Phần này được thể hiện qua ca khúc "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ," "Thu Hà Nội," hòa tấu âm nhạc Tây Nguyên "Buôn làng mở hội" và bài kết hát múa, hợp xướng "Dâng Người tiếng hát mùa Xuân"...
Giáo sư, nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Văn Thương (1919-2002) là một nhạc sỹ nổi tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam.
Ông là tác giả của nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ như "Trên sông Hương," "Đêm đông"… và những ca khúc kháng chiến như "Bình Trị Thiên khói lửa," "Dân ta đánh giặc anh hùng," "Gửi Huế giải phóng," "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ"...
Ông để lại một di sản âm nhạc đồ sộ với nhiều bản khí nhạc. Có thể nói ông là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã được trao tặng nhiều huân, huy chương, danh hiệu và giải thưởng cao quý trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương cũng đóng góp quan trọng trong sự nghiệp quản lý và đào tạo âm nhạc nước nhà.
Từ năm 1979 đến 1983, ông làm giám đốc cả 2 nơi: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Ông là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sỹ, có "biệt tài" phát hiện ra nhiều tài năng nghệ thuật và đưa về đào tạo./.