Đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Chiều 9/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX.

Hội nghị đã thông qua chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất thông qua nhiều nội dung quan trọng, gồm: Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc số 01-QC/TU ngày 9/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Tỉnh ủy), Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy khóa XX; thông qua các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận và thông qua chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với chương trình hành động này, tỉnh Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Đến năm 2045, công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Dịch vụ, du lịch phát triển đa dạng. Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển bền vững. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển mạnh. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện. Chất lượng môi trường sống của nhân dân được nâng lên. Mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

[Thủ tướng: Quảng Ngãi hãy vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh]

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7,25-8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trong khoảng 7.700-7.900 USD. Tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GRDP đến năm 2030 đạt 72-73%. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân 6,5-7,5%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt ngang với bình quân của cả nước, trên 50% theo định hướng toàn vùng đến năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ngãi đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể:

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết.

Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Phát triển hệ thống đô thị; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển toàn diện văn hóa-xã hội.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Phát biểu bế mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh: nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương đã được cụ thể hóa cho từng đơn vị, địa phương. Do đó, các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện; phải quyết tâm, quyết liệt để thực hiện đạt hiệu quả tốt.

Đối với những vấn đề có nhiều đại biểu thảo luận, chưa thống nhất được thì các đơn vị chức năng phải tiếp tục nghiên cứu để tổng kết, từ đó có thể thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm…

Trong quá trình thực hiện phải có quyết tâm, nhưng không nóng vội, không bỏ qua, làm chậm sự phát triển của tỉnh; kế thừa thành tựu phát triển của những giai đoạn trước, những kinh nghiệm tốt đã được thực tiễn để đưa Nghị quyết vào cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục