Di sản Huế tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút khách

Dịp này, du khách được trải nghiệm các hoạt động vui Xuân ở Hoàng cung Huế; trong đó điểm nhấn là không gian tái hiện các trò chơi cung đình ngày Tết.
Du khách tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Sáng mùng Một Tết, khi nhạc hiệu bài thơ "Mùa Xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải vang lên trên Đài phát thanh thành phố Huế cũng là lúc mọi người cảm nhận được mùa Xuân sang.

Có mặt từ rất sớm trong dòng người vào xông đất Đại Nội, ông Nguyễn Thanh Xuân, nhà ở đường Hai Bà Trưng, Huế rất phấn khích trước cảnh thanh bình của đất nước, sung túc của mọi người mọi nhà. Ngọ Môn, điểm níu giữ chân ông lâu nhất, khi người cán bộ tiền khởi nghĩa này bồi hồi nhớ lại thời khắc linh thiêng ấy.

Sau nghi thức trao ấn kiếm khá đơn giản chiều 30/8/1945, Hoàng đế Bảo Đại đã đọc bản Chiếu thoái vị ngay trên tầng 2 của Ngọ Môn. Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng thành Huế, đây là cổng thành to lớn và đẹp nhất của kinh đô Huế do Hoàng đế Minh Mạng cho xây dựng từ năm 1833.

Ngọ Môn cũng là nơi tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ đăng quang (lễ lên ngôi), lễ truyền lô (xướng danh tân tiến sỹ), lễ đón mừng năm mới, lễ đón tiếp sứ thần các nước lân bang...

Ngày nay, Ngọ Môn là điểm đến hấp dẫn đề thu hút khách tham quan. Đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở cửa miễn vé cho nhân dân và du khách là người Việt Nam vào tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế trong 3 ngày, từ ngày 16-18/2 (tức từ 1-3 Tết Mậu Tuất).

Dịp này, du khách được trải nghiệm các hoạt động vui Xuân ở Hoàng cung Huế; trong đó điểm nhấn là không gian tái hiện các trò chơi cung đình ngày Tết. Không gian vui Xuân đón Tết tập trung ở khu vực sân Điện Thái Hòa với các trò chơi vốn là thú tiêu khiển trong Hoàng cung triều Nguyễn xưa, như: Bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ, đối thơ, và trình diễn thư pháp...

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, trong số các trò chơi vừa kể trên, đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa.

Muốn chiến thắng, người chơi phải gieo xúc xắc để giành đủ các thẻ bài với các học vị: Tú tài, cử nhân, tiến sỹ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên. Thú chơi tao nhã, nhẹ nhàng này lại thêm một lần tô thắm tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa.

Hoặc như chơi bài vụ, với chiếc vụ hình bát giác có 8 con vật; người chơi đặt cược theo con vật yêu thích, nếu chiếc vụ dừng lại và con vật nào nằm mặt trên thì chiến thắng. Các trò chơi này ban đầu từ cung đình nhà Nguyễn nhưng sau đó đã được người trong triều đưa ra dân gian và trở thành thú tiêu khiển trong Tết xưa của người dân Cố đô.

Trước đó, từ tối 30 Tết, người dân Huế và du khách tề tựu đông vui trước quảng trường Ngọ Môn, hết sức thích thú với việc "Thắp sáng Kỳ đài Huế" bằng 1.000 đèn led bao bọc xung quanh và xuyên suốt Kỳ đài Huế theo công nghệ hiện đại để thắp sáng và tạo điểm nhấn độc đáo cho Huế về đêm.

Sự kiện này cũng tạo nên một quảng trường văn hóa mỗi đêm theo trục Kỳ đài - quảng trường Ngọ Môn  nhằm phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh. Các địa điểm di tích khác như các lăng vua, chùa Thiên Mụ cũng tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách du lịch.

Đáng chú ý là "Không gian trưng bày lăng Minh Mạng", mở cửa từ ngày 12/2, du khách đến đây để được chiêm nghiệm thêm cuộc sống của các vua chúa triệu Nguyễn xưa. Ở đây có sa bàn tổng thể giới thiệu khu vực lăng của hoàng đế Minh Mạng tại nhà Tả Tùng Tự; cùng nhiều ảnh tư liệu quý hiếm.

Bên cạnh đó, trọng tâm của nội dung trưng bày tại điện Sùng Ân được thể hiện qua các vật dụng một thời gắn bó với hoàng đế Minh Mạng, các đồ dùng, dụng cụ minh họa cho những chính sách được ban hành và thực thi thời kỳ này.

Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841) húy Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang. Là người thông minh, quyết đoán, tinh thông Nho học, hoàng đế Minh Mạng đã đưa nước ta trở thành một quốc gia hùng mạnh với lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dân tộc.

Trong 20 năm tại vị, Hoàng đế Minh Mạng đã để lại một di sản vật chất và tinh thần to lớn mà nhiều bộ phận trong đó đã trở thành di sản của dân tộc và của nhân loại như: các công trình kiến trúc, âm nhạc cung đình, các loại tài liệu mộc bản, châu bản, thơ văn chạm khắc trên kiến trúc cung đình Huế...

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, năm 2018, trung tâm tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản". Trong năm này, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 4 - 4,2 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40 - 45%); khách lưu trú ước đạt 2,1 - 2,2 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 4.000 - 4.200 tỷ đồng. 

Theo ông Phan Thanh Hải, trong năm 2018, nhiều dự án bảo tồn, tu bổ di tích quan trọng sẽ được triển khai như: Dự án bảo tồn, phục hồi điện Kiến Trung; Dự án bảo tồn hệ thống tường và cổng Tử Cấm thành (giai đoạn 1); bảo tồn, tu bổ và phục hồi lăng Dục Đức (hạng mục Tẩm điện và lăng mộ); bảo tồn, trùng tu di tích Bi đình lăng Tự Đức; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực Hoàng thành; bảo quản, tu bổ tổng thể Triệu Miếu (giai đoạn 2)... 

Ngoài việc mở cửa miễn vé cho nhân dân và du khách là người Việt Nam, dự tính trong 3 ngày Tết Mậu Tuất (từ 1-3 âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đón khoảng hơn 30.000 lượt khách du lịch nước ngoài.

Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thu hút hơn 3.000.000 lượt khách đến tham quan khu di sản Huế; trong đó có 1.809.000 lượt khách quốc tế; doanh thu (từ vé tham quan và các dịch vụ trong di tích) đạt hơn 320 tỷ đồng, đạt 122,05 % kế hoạch (260 tỷ đồng). Như vậy, riêng doanh thu từ vé tham quan khu di sản Huế đã tăng gấp 4 lần so với năm 2011 (80 tỷ đồng).../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục