Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia: Lễ hội đền Bà Triệu

Lễ hội đền Bà Triệu thường diễn ra từ ngày 20-23/2 Âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.
Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia: Lễ hội đền Bà Triệu ảnh 1Lễ hội Đền Bà Triệu diễn ra tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Sáng 11/3, tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích Lịch sử đền Bà Triệu; tiềm năng du lịch của tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023 bắt đầu với các nghi thức truyền thống gồm lễ trình tấu chúc văn, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương kính cáo anh linh anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Tiếp đó là phần phát biểu khai mạc Lễ đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Bà Triệu.

Ngay sau đó là phần hội với chương trình nghệ thuật mang tên “Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - rạng ngời trang sử vàng dân tộc.”

[Bộ VHTTDL công bố Danh mục 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia]

Chương trình nghệ thuật gồm các tiết mục sân khấu hóa như: Trích đoạn tuồng “Triệu Trinh Nương đề cờ”; ca khúc “Tự hào miền đất xứ Thanh”; “Ca ngợi nữ tướng Triệu Thị Trinh”; “Đường về Thanh Hóa”“Thanh Hóa vào Xuân”... nhằm tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh, tác động mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu trên quê hương Thanh Hóa.

Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của các nghệ sỹ, diễn viên đến từ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và các diễn viên quần chúng.

Lễ hội đền Bà Triệu thường diễn ra từ ngày 20-23/2 âm lịch hằng năm để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.

Lễ hội thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh lớn lao của Bà Triệu và các nghĩa sỹ đối với công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc ta; đồng thời khơi dậy nét đẹp văn hóa, truyền thống lâu đời, đậm đà bản sắc xứ Thanh.

Đã 1775 năm trôi qua, nhưng tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, sự hy sinh anh dũng của bà luôn được nhân dân tự hào, kính ngưỡng.

Để tưởng nhớ công lao của bà, hằng năm, đông đảo du khách thập phương lại hội tụ về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để hòa vào lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, trong không gian rộng theo một quy trình khép kín rất chặt chẽ Đền-Lăng-Đình.

Lễ hội gồm nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc và trang trọng, như lễ mộc dục, tế lễ (rước kiệu, tế nữ quan), tế Phụng Nghinh, rước bóng, hội trận tại đình làng Phú Điền…

Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia: Lễ hội đền Bà Triệu ảnh 2Lễ hội đền Bà Triệu thường diễn ra từ ngày 20-23/2 âm lịch hằng năm. (Nguồn: Báo Thanh Hóa)

Với những giá trị to lớn và nét độc đáo, năm 2022 Lễ hội Đền Bà Triệu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Bà Triệu (tên húy là Triệu Thị Trinh) sinh ngày 2/10/226 (năm Bính Ngọ) ở vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, Thanh Hóa). Bà là người giỏi võ nghệ, có khí phách hiên ngang. Đất nước lúc bấy giờ bị giặc Đông Ngô chiếm đóng, dân chúng sống trong cảnh lầm than.

Không cam chịu ách độ hộ tàn bạo của giặc Đông Ngô, dù còn nhỏ tuổi nhưng Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Quan Yên, được nhân dân khắp nơi hưởng ứng tham gia.

Cuộc khởi nghĩa của anh em Bà Triệu đã giành được nhiều thắng lợi, làm chấn động Giao Châu, là nỗi khiếp sợ của giặc.

Sau khi anh trai mất, Triệu Thị Trinh được nghĩa quân tôn làm chủ tướng, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Bà cùng tướng sỹ lập căn cứ tại núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) để luyện tập và chống giặc.

Uy danh của Bà Triệu và nghĩa quân đã khiến giặc Ngô phải thốt lên rằng “Vung tay đánh cọp xem còn dễ, đối diện Bà Vương mới khó sao.”

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, năm Mậu Thìn (năm 248), triều Đông Ngô đã cử một đạo quân hùng mạnh gồm 8.000 quân sỹ, có cả chiến thuyền yểm trợ tiến vào nước ta để đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu.

Sau nhiều tháng vây hãm với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ nhưng giặc Ngô vẫn không đánh bại được nghĩa quân.

Cuối cùng quân Ngô đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó nghĩa quân Bà Triệu. Để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng vào ngày 22/2/248 (năm Mậu Thìn) khi mới 23 tuổi...

Dù cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thất bại, nhưng đây là mốc son khẳng định sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân ở thế kỷ II-III, thúc đẩy ý chí quật cường với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.

Hình ảnh nữ tướng Triệu Thị Trinh khi ra trận mặc giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận và câu nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng giữ, chém cá Kình ở biển Đông, làm cho trời yên biển lặng, cứu vớt dân lành, chứ đâu giống như người đời cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta” đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta.

Nữ tướng Triệu Thị Trinh đã đi vào tâm thức dân gian như một nhân vật huyền thoại với lòng tôn thờ và ngưỡng mộ...

Tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân đã lập đền thờ, xây lăng mộ bà trên đỉnh núi Tùng, xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai và dựng một ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền, tôn bà làm Thần hoàng làng và quanh năm hương khói (3 địa danh này đều thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ.

Năm 1979, đền thờ và lăng mộ Bà Triệu ở xã Triệu Lộc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu.

Trong khuôn khổ Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia còn diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc của huyện Hậu Lộc; trưng bày hiện vật, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về Di tích lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Bà Triệu; Nhân vật Lịch sử Triệu Thị Trinh; Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu, các di tích lịch sử nổi tiếng xứ Thanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.