Đi tìm nguyên nhân dẫn đến ngập lụt, sạt lở liên tiếp ở Bình Định

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, việc con người tác động vào thiên nhiên quá nhiều đã dẫn đến tình trạng sạt lở đồi núi, ngập lụt cục bộ.
Đi tìm nguyên nhân dẫn đến ngập lụt, sạt lở liên tiếp ở Bình Định ảnh 1Người dân xã Phước Nghĩa dùng xe ba gác máy để chở đồ đạc qua đoạn đường ngập trong nước lũ. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Bình Định vừa trải qua đợt mưa lớn kéo dài, gây nhiều thiệt hại từ sạt lở đồi núi, bờ sông, vách đá đến ngập úng cục bộ trong đô thị, ngập lụt do nước lũ dâng cao vùng hạ lưu. Bên cạnh đó là những hậu quả nặng nề từ việc sa bồi thủy phá đất nông nghiệp khiến cầu đường hư hỏng, gia súc và gia cầm bị nước cuốn trôi.

Ngập úng do sập cống thoát nước

Ngày 14/11 vừa qua, tỉnh Bình Định xuất hiện mưa lớn và điều ít ai ngờ tại phường Ghềnh Ráng, phường nội thị của thành phố Quy Nhơn, lại chìm trong nước lũ. Nước dâng cao hầu hết các ngả đường, không thoát được đã gây ngập úng cục bộ, có khu vực ngập sâu gần 1m.

Một cống thoát nước công cộng nằm trong khuôn viên khách sạn Hoàng Gia (phường Ghềnh Ráng) đã bị nước lũ phá hủy. Đây là cống thoát nước chính dẫn nước mưa từ một số khu dân cư của phường Ghềnh Ráng ra biển.

Theo báo cáo từ Công ty cổ phần môi trường Bình Định, nguyên nhân gây ngập úng một số khu dân cư tại phường Ghềnh Ráng được xác định là do Công ty cổ phần du lịch Hoàng Anh Đất Xanh (gọi tắt là công ty Hoàng Anh) thi công cải tạo cống thoát nước (nằm trong khuôn viên khách sạn Hoàng Gia) đã làm giảm tiết diện của dòng chảy, không đảm bảo thoát nước khi có mưa lớn.

[Bình Định: Núi Cấm tiếp tục sạt lở, nhà dân ngập trong bùn đất]

Ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ghềnh Ráng, cho biết cống thoát nước công cộng đoạn bị sập ban đầu là một mương nước có bề ngang từ 8-10m, do phía biển chưa có dự án, công trình nào nên nước mưa trên địa bàn phường thoát ra biển khá dễ dàng.

Mương nước này được xây dựng thành một cống hộp và nằm trong khuôn viên khách sạn Hoàng Gia cho đến nay. Năm 2020, Công ty Hoàng Anh đề xuất tự sửa chữa, cải tạo nhưng đến đầu mùa mưa năm 2021, cống vẫn chưa sửa chữa xong.

Các đơn vị thi công mới chỉ đặt ống bi và đang cải tạo phần bề mặt đã bị sập do nước mưa đổ về. Cống sập làm tắt nghẽn thêm dòng thoát lũ.

Về việc hệ thống cống thoát nước công cộng lại nằm trong khuôn viên của một khách sạn, ông Võ Chí Thiện đề xuất đưa hệ thống cống thoát nước đoạn này ra ngoài để thành phố quản lý và hàng năm kiểm tra, duy tu, sửa chữa chứ nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp sẽ không được quan quan tâm.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Quy Nhơn, hiện ngành chức năng đang tiến hành khắc phục đoạn cống bị sập nằm trong khuôn viên khách sạn Hoàng Gia, trước mắt sẽ cho máy móc khơi thông dòng chảy, sau đó sẽ đánh giá lại và đề xuất giải pháp đảm bảo thoát nước ổn định.

Phá núi trồng keo gây sạt lở

Trong đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 9-17/11 vừa qua, địa bàn tỉnh Bình Định xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất đá trên đồi núi xuống nhà dân, khu dân cư, trên các tuyến đường nhưng rất may không có thiệt hại về người nhưng đã phá hủy nhiều ngôi nhà, gây ách tắt giao thông.

Đặc biệt, có điểm sạt lở đến 10.000m3 đất đá xuống nhà người dân như tại núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát). Tại xóm núi Gành thuộc xã cát Minh (huyện Phù Cát), nhiều tảng đá lớn đã phá hủy bờ tường một số ngôi nhà. Huyện đã phải di dời khẩn cấp trên 150 hộ dân hai khu vực này đến nơi an toàn.

Trong khi đó, trên các tuyến đường đèo thuộc các huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ, huyện Vân Canh và thành phố Quy Nhơn, tình trạng sạt lở đất đá xuống đường cũng đã xảy ra, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Một số đoạn đèo trên các tuyến đường ven biển Bình Định cũng bị sạt lở nhiều nơi.

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến ngập lụt, sạt lở liên tiếp ở Bình Định ảnh 2Người dân thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát phá núi, mở đường trồng keo trên núi Cấm từ nhiều năm nay. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, mưa lớn xảy ra trong nhiều ngày liền và với tần suất khá cao tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ ngày 15/11 đo được lượng mưa trên 500mm chỉ trong 3 giờ đồng hồ) nên đã dẫn đến ngập lụt và sạt lở.

Năm 2020, tỉnh Bình Định đã xây dựng một bản đồ cảnh báo 12 khu vực trong khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao. Do vậy, khi mưa lớn xảy ra, người dân ở 12 khu vực này đã được di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, sạt lở lại xảy ra ở một số khu vực khác, khiến cho người dân hoàn toàn bất ngờ.

Ông Chương cho biết việc con người tác động vào thiên nhiên quá nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến sạt lở đồi núi hay ngập lụt cục bộ. Như tại núi bà Hỏa (thành phố Quy Nhơn), một vụ sạt lở đất đá xuống đường đã xảy ra vào ngày 25/10 làm ba người bị thương. Khi cắt đá, mở đường qua đoạn núi này, các đơn vị thi công đã không thực hiện việc hạ độ dốc núi để tránh xảy ra sạt lở.

Đối với điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 1D đoạn qua phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn) vào sáng 14/11, nguyên nhân sâu xa cũng là do người dân đào cắt chân núi để xây dựng nhà cửa đã làm cho núi bị hổng chân. Khi có mưa lớn xảy ra, nước trên núi tràn xuống nên khó tránh khỏi sạt lở.

Theo ông Chương, hiện nay, việc phá đồi núi trồng keo là một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở. Nếu như rừng tự nhiên với nhiều tầng lớp sẽ giữ được nước mưa chảy đều rồi thấm dần trong đất, rừng trồng rất khó giữ được đất đá khi có mưa lớn xảy ra.

Tại Núi Cấm (thôn Chánh Thắng), người dân đã tiến hành trồng keo và mở đường vào khai thác khu vực này, dẫn đến núi liên tiếp bị sạt lở khi có mưa lớn.

"Giải pháp cho vấn đề sạt lở đồi núi chính là chuyển từ rừng sản xuất sang trồng rừng gỗ lớn, rừng phòng hộ. Tuy nhiên, để làm được việc này phải hài hòa được lợi ích kinh tế của người dân, họ mới giữ được rừng lâu dài. Do vậy, Sở đã có kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp để từng bước thực hiện việc này," ông Chương nói.

Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, từ ngày 9-17/11, mưa lũ, sạt lở đã làm cho 31 ngôi nhà bị hư hỏng; gần 1.200ha đất sản xuất nông nghiệp bị hư hại; gần 10.000 con gia súc gia cầm bị chết; trên 10km đê, bờ bao, kênh mương bị phá hủy.

Bờ sông Kim Sơn và sông An Lão đoạn qua huyện Hoài Ân đã bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài hơn 4km.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, cho biết đối với một số đoạn sạt lở gần đường giao thông, địa phương đã tiến hành cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân. Về lâu dài, sẽ đề xuất tỉnh bố trí kinh phí xây dựng bờ kè chắc chắn để đảm bảo không bị sạt lở trong các mùa mưa lũ tiếp theo.

Theo ông Trần Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 (Cục Quản lý đường bộ III), sau đợt mưa lụt vừa qua, Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định do đơn vị quản lý đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng trên bề mặt đường với tổng diện tích 18.000m2.

Hiện tại, thời tiết chưa thuận lợi, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị xử lý một số điểm hư hỏng bằng các vật liệu thích hợp để đảm bảo an toàn giao thông, trong đó, ưu tiên sửa chữa các “ổ gà” nằm rải rác trên làn đường xe môtô, thô sơ. Những đoạn ổ gà, đơn vị đã làm rào chắn, cắm biển báo. Dự kiến, khi thời tiết thuận lợi, đơn vị sẽ triển khai sửa chữa toàn tuyến.

Đi tìm nguyên nhân dẫn đến ngập lụt, sạt lở liên tiếp ở Bình Định ảnh 3Bờ sông Kim Sơn qua huyện Hoài Ân bị sạt lở nghiêm trọng trong đợt mưa lụt vừa qua. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Ngoài ra, đoạn Quốc lộ 1 qua phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) trong đợt mưa lớn vừa qua thường xuyên bị ngập úng cục bộ khiến giao thông chia cắt. Người dân cho biết ngoài hệ thống thoát nước ở đoạn đường này không đảm bảo, lượng nước mưa trên núi Hòn Chà đổ xuống là nguyên nhân gây ngập. Hiện ở khu vực núi này, tình trạng khai thác đất đá đã phá hủy nhiều mảng rừng tự nhiên.

Ông Hồ Đắc Chương cho biết để chủ động phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, sạt lở gây ra, từng ngành, từng cấp phải chung tay với những giải pháp của mình, đặc biệt là giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đến thiên nhiên như: việc khai thác đất đá làm vật liệu xây dựng phải đảm bảo không để hổng chân núi, việc khai thác cát trên sông, phải giám sát chặt chẽ trữ lượng khai thác để đảm bảo dòng chảy, tránh xói mòn, sạt lở bờ sông.

Ngoài ra, người dân trồng keo nên khai thác tránh vào thời điểm mùa mưa để cây rừng giữ đất, giữ nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục