Nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng các dự án truyền tải điện.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
- Thưa ông, hiện nay dịch COVID-19 đang bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ các dự án truyền tải?
Phó Tổng giám đốc Bùi Văn Kiên: Nhiều tỉnh, thành phố hiện phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly từ 14 đến 21 ngày người đến từ vùng dịch hoặc kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Cần Thơ, Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh Nam Bộ và Trung Bộ…
Chính quyền địa phương các cấp đều căng mình ra tổ chức chống dịch nên không có nhiều thời gian giải quyết đối với các công việc khác. Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư lưới điện truyền tải dẫn đến chậm tiến độ.
Cụ thể như các chương trình, kế hoạch phối hợp làm việc với chính quyền các địa phương của các đơn vị thực hiện dự án gần như không thể thực hiện được. Cán bộ các ban quản lý dự án đều ở vùng dịch nên rất khó khăn khi cần đi công trường để quản lý, điều hành dự án, phối hợp với địa phương thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng…
Trong khâu chuẩn bị đầu tư, các đơn vị tư vấn gặp khó khăn về đi lại, triển khai thực địa khảo sát địa hình, địa điểm, đo vẽ giải thửa, đo đạc thống kê xin chuyển đổi mục đích đất rừng...
Ngoài ra, các địa phương cũng hầu như không triển khai được bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án do phải giãn cách xã hội. Việc mua sắm, cung cấp vật tư, vật liệu và tổ chức thi công của các nhà thầu xây lắp gặp rất nhiều khó khăn do các quy định về kiểm dịch, cách ly. Các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị cũng gặp rất nhiều khó khăn do các nhà máy ngừng hoặc giãn tiến độ sản xuất theo quy định chống dịch, việc vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam gần như không thực hiện được.
[EVN: Gỡ khó để đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải điện]
Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng và sắt thép, kim loại màu vẫn đang tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh trong khi các bộ, ngành chưa có hướng dẫn về việc bù giá vật liệu do biến động giá lớn khiến lựa chọn nhà thầu và thực hiện các hợp đồng có liên quan cũng hết sức khó khăn.
- Trước những khó khăn này, EVNNPT đã đề ra những giải pháp gì để đảm bảo mục tiêu kép vừa đầu tư xây dựng, vừa phòng chống dịch?
Phó Tổng giám đốc Bùi Văn Kiên: Để đảm bảo mục tiêu kép, EVNNPT đã có nhiều văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tiếp tục phối hợp triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho người lao động và các nhà thầu của EVNNPT trong việc đi lại, vận chuyển vật tư thiết bị, tổ chức thi công. Các địa phương cũng đã kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị của EVNNPT và các ban quản lý dự án nên đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.
Các đơn vị cũng ứng dụng tối đa các công cụ về công nghệ thông tin để phục vụ quản lý, điều hành của tổng công ty và các đơn vị như xử lý công văn, công việc từ xa trên phần mềm E-Office/D-Office; đẩy mạnh quản lý tiến độ dự án trên phần mềm Quản lý đầu tư xây dựng; tổ chức các cuộc họp xem xét, thông qua dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các dự án bằng hình thức trực tuyến,…
EVNNPT đã yêu cầu các nhà thầu tư vấn cần có giải pháp phù hợp để giảm ảnh hưởng đến tiến độ dự án như thuê nhà thầu phụ đủ năng lực, liên kết giải quyết công việc với các đơn vị khác phù hợp…
Các ban quản lý dự án và các nhà thầu xây lắp đã bố trí lực lượng bám sát công trường theo nguyên tắc hạn chế di chuyển ra ngoài địa bàn.
Đồng thời, các đơn vị bám sát tình hình thực hiện hợp đồng của các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, như tổ chức chứng kiến thử nghiệm online, bố trí cho chuyên gia nước ngoài của nhà cấp hàng giám sát quá trình lắp đặt thiết bị online…
Nhờ những nỗ lực đó, EVNNPT hoàn thành, đóng điện nhiều dự án như đường dây 500kV Dốc Sỏi-Pleiku 2; Trạm biến áp 500kV Chơn Thành, trạm biến áp 220kV Mường Tè và đường dây Mường Tè-Lai Châu, trạm biến áp 500kV Đức Hòa, nâng công suất trạm biến áp 500kV Đắc Nông, đường dây 220kV Nho Quan-Thanh Nghị, trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên, Đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2; Dự án trạm biến áp 220kV Ninh Phước; dự án nâng công suất trạm 500kV Vĩnh Tân…
- Đối với những dự án điện cấp bách phải hoàn thành trong năm 2021, đặc biệt là các dự án giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo theo kế hoạch, EVNNPT có giải pháp gì đặc biệt?
Phó Tổng giám đốc Bùi Văn Kiên: Đối với các dự án trọng điểm, cấp bách, EVNNPT có những giải pháp riêng như Thành lập Ban Chỉ đạo dự án từ Tổng công ty đến các Ban quản lý dự án để chỉ đạo, điều hành các dự án này một cách thông suốt, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các công việc có liên quan. Hàng tuần đều tổ chức kiểm điểm tiến độ các dự án này tại các cuộc họp giao ban để nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Ban quản lý dự án xây dựng và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc các tiến độ điều hành chi tiết nhằm kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án; thành lập các Ban Tiền phương với các cán bộ có năng lực để bám sát công trường, đôn đốc và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên công trường.
- Tổng công ty có đề xuất, kiến nghị gì trước những lý do bất khả kháng là dịch bệnh này?
Phó Tổng giám đốc Bùi Văn Kiên: Có thể nói, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến tiến độ các dự án lưới truyền tải điện là rất lớn. Đây là các khó khăn khách quan, thuộc vào yếu tố bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Để giúp EVNNPT sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do dịch bệnh gây ra để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương xác định ngành điện nói chung, lĩnh vực truyền tải điện nói riêng là ngành nghề cung cấp dịch vụ thiết yếu, liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước để tạo điều kiện tối đa cho người, phương tiện, dụng cụ, vật tư, thiết bị phục vụ cho quản lý vận hành, đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải được ưu tiên tạo điều kiện trong đi lại, di chuyển, làm việc khi đáp ứng với quy định kiểm dịch.
Ngoài ra, các bộ, ngành sớm có hướng dẫn bù giá đối với các vật tư, vật liệu tăng cao trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh; xem xét miễn trừ trách nhiệm của EVN, EVNNPT khi không đáp ứng được tiến độ các dự án do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ với EVNNPT, các Ban quản lý dự án để triển khai thỏa thuận tuyến, chuyển mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng kể cả trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!/.