Dịch COVID-19 có đẩy Mỹ và Trung Quốc vào Chiến tranh Lạnh mới?

Tổng thống Trump đã tỏ ra gay gắt khi ông cáo buộc Bắc Kinh che giấu những ca bệnh bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán và sau đó COVID-19 đã trở thành một đại dịch làm tê liệt nước Mỹ.
Dịch COVID-19 có đẩy Mỹ và Trung Quốc vào Chiến tranh Lạnh mới? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Theo tờ New York Times, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo một cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế toàn cầu cần phải có sự hợp tác, chứ không phải đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị bước lên bục họp báo của Nhà Trắng tuần trước, những bức ảnh chụp cận bài phát biểu được chuẩn bị sẵn của ông Trump cho thấy, ông đã gạch từ “virus corona” và thay bằng “virus Trung Quốc."

Tổng thống Trump đã tỏ ra gay gắt khi ông cáo buộc Bắc Kinh che giấu những ca bệnh bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán và sau đó COVID-19 đã trở thành một đại dịch làm tê liệt nước Mỹ.

Ông Trump tuyên bố: “Thế giới đang phải trả một cái giá quá lớn cho những gì họ đã làm." Một ngày sau, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tiếp tục lên tiếng cáo buộc Chính phủ Trung Quốc đã bóp méo các dữ liệu y tế quan trọng và nói rằng phản ứng của Bắc Kinh đã gây ra nguy cơ đối với người dân trên toàn thế giới.

Sự chỉ trích này là một thay đổi đột ngột về giọng điệu của ông Trump, người lâu nay vẫn tìm cách giữ mối quan hệ thân thiện với người đồng cấp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, ông Trump vẫn lên tiếng ca ngợi Chính phủ Trung Quốc vì đã “thực hiện một công việc rất chuyên nghiệp” trong chống dịch bệnh.

Khi ông Trump và các quan chức cấp cao hàng đầu của Mỹ lên án Trung Quốc với một giọng điệu cứng rắn, các chuyên gia về an ninh quốc gia và y tế công cộng lo ngại rằng hai cường quốc thế giới sẽ hướng đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà có thể hủy hoại nghiêm trọng các nỗ lực chung để tiêu diệt virus SARS-CoV-2 và cứu vãn nền kinh tế toàn cầu.

Thậm chí một số quan chức y tế của chính quyền Tổng thống Trump còn cảnh báo những cáo buộc đối với Trung Quốc có thể khiến nước này không chịu chia sẻ những dữ liệu chính xác về virus. Trung Quốc cũng có thể can thiệp vào các chuỗi cung y tế của nước Mỹ.

Ông Eswar Prasad, một chuyên gia về Trung Quốc và giáo sư chính sách thương mại tại Đại học Cornell, gọi sự đối địch mới này là “làm mất hết nhuệ khí." Ông cho rằng quan hệ Mỹ-Trung đã xuống mức thấp mới vào một thời điểm không phù hợp, khi mà hai nước phải hợp lực để hạn chế sự tàn phá của dịch bệnh đối với y tế cộng đồng, các hoạt động kinh tế và các thị trường tài chính.

Ông Kelly Magsamen, một nhà cựu ngoại giao và nguyên là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama, nói thêm rằng,sự cạnh tranh giữa hai bên đã làm giảm các nỗ lực kiềm chế virus. Thay vì việc Trung Quốc chỉ cố gắng làm việc đó vì lợi ích của nước này, hai bên cần hợp tác với nhau để kiểm soát tình hình.

Một số cố vấn kinh tế của ông Trump, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho rằng sự đối địch với Trung Quốc về các vấn đề chiến lược sẽ đe dọa sự hợp tác kinh tế, yếu tố vốn rất cần thiết trong một nền kinh tế toàn cầu có mối liên hệ mật thiết với nhau, trong đó Trung Quốc đang nắm giữ rất nhiều lá bài.

Những thông điệp cứng rắn từ Washington đã khiến Chính phủ Trung Quốc tức giận. Các quan chức Bắc Kinh và các phương tiện truyền thông lập tức phản pháo, cáo buộc Mỹ đang tìm cách làm chệch hướng đổ lỗi ra bên ngoài hay thậm chí cáo buộc chính Mỹ đã sản xuất ra virus.

Ông Bannon nói rằng: “Tổng thống Trump đang ở trong tình huống rất khó khăn bởi vì ông ta vẫn cần sự hợp tác của Trung Quốc đối với rất nhiều vấn đề, không chỉ là kinh tế, mà cả vấn đề virus."

[COVID-19 buộc Mỹ-Trung điều chỉnh việc thực thi thỏa thuận thương mại?]

Một số quan chức Chính quyền Tổng thống Trump và các nghị sỹ Cộng hòa nói rằng những lời chỉ trích cho thấy nhu cần cần phải giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc.

Dịch COVID-19 có đẩy Mỹ và Trung Quốc vào Chiến tranh Lạnh mới? ảnh 2Binh sỹ Mỹ gác bên ngoài bệnh viện dã chiến ở New York (Mỹ) ngày 24/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cố vấn thương mại của Nhà Trắng Peter Navarro đã dự thảo một chỉ thị hành chính, theo đó yêu cầu chính phủ liên bang mua thêm các dược phẩm do nước Mỹ sản xuất.

Một số nghị sỹ Cộng hòa được hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc dẫn lời trong một bài báo được xuất bản vừa qua đã đề cập đến mối đe dọa Mỹ có thể đánh mất sự tiếp cận đối với các loại thuốc quan trọng được sản xuất tại Trung Quốc.

Thượng nghị sỹ bang Florida Marco Rubio nói rằng: “Họ có thể đe dọa cắt đứt việc cung cấp dược phẩm cho chúng ta."

Các quan chức Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đánh giá tác động của virus SARS-Cov-2 và sự gia tăng căng thẳng của vấn đề này đối với các cuộc đàm phán thương mại. Các quan chức của cả Mỹ và Trung Quốc đã không công khai nói về việc liệu Trung Quốc có đủ khả năng thực hiện cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa trong vòng hai năm tới theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một hay không. Sự gián đoạn kinh tế có thể khiến điều này khó xảy ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng sự va chạm hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc phần nhiều liên quan đến thể diện quốc gia và khía cạnh chính trị hơn là các vấn đề kinh tế.

Các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ đang tỏ ra phẫn nộ về chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, tâng bốc các nỗ lực gửi các thiết bị y tế cho khắp thế giới - một nỗ lực rõ ràng nhằm minh oan cho danh tiếng của Trung Quốc cả trong và ngoài nước sau khi để dịch bệnh bùng phát.

Các quan chức Mỹ nói rằng Mỹ có thể đã giúp kiềm chế được virus nếu như Trung Quốc ban đầu không từ chối tiếp nhận các chuyên gia quốc tế, bao gồm cả chuyên gia từ Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đi vào Vũ Hán.

Ông Ryan Hass, một quan chức cấp cao về khu vực châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia thời Obama và hiện là chuyên gia Viện Brookings, lưu ý rằng trong các cuộc khủng hoảng trước đây, Mỹ và Trung Quốc đã tìm ra các cách thức để vượt qua khác biệt và hợp tác cùng nhau. Tuy nhiên, ông Hass cho rằng một cách tiếp cận như vậy là quá xa vời đối với Chính quyền Mỹ hiện nay./.

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.