Theo thehill.com, một vài tuần đã trôi qua kể từ khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 bắt đầu có hiệu lực, nhưng hiện đã có nhiều tin tức tốt lành trong việc thực thi.
Trung Quốc đã tiến hành các hành động được quy định trong thỏa thuận theo các khung thời gian được yêu cầu và thậm chí thực hiện trước kế hoạch trong một số trường hợp.
Bắc Kinh đã nới lỏng các lệnh hạn chế nhập khẩu các nông sản từ khoai tây đến gia cầm và thức ăn vật nuôi, và cho phép nhà cung cấp thanh toán điện tử Mỹ hoạt động tại Trung Quốc sau một vài gián đoạn trước đây và đưa ra một số ngoại lệ trong việc tăng thuế với các mặt hàng nhập khẩu nhất định từ Mỹ, bao gồm thịt heo, thịt bò, đậu nành và các sản phẩm năng lượng.
Trung Quốc đã thực hiện thỏa thuận này trong lúc phải đối đầu với tình trạng y tế khẩn cấp - dịch COVID-19. Ngay cả khi các quan chức cấp cao Trung Quốc phải tập trung chú ý vào việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế, và một số quan chức chính phủ phải làm việc tại nhà, nhưng Trung Quốc vẫn thể hiện rằng họ đang thực thi thỏa thuận song phương này một cách nghiêm túc.
Cột mốc đáng chú ý tiếp theo đó là vào giữa tháng 3/2020, khi Trung Quốc ban hành Kế hoạch hành động bảo vệ sở hữu trí tuệ (IPR), nêu rõ các nỗ lực nhằm củng cố cơ chế IPR, cùng thời gian cụ thể cho việc thực thi các cam kết IPR trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Dựa trên các tiến triển tính đến nay, kế hoạch này được dự đoán sẽ hoàn tất đúng thời hạn và đúng trật tự.
Tuy nhiên, các tin tức tốt lành dường như có thể dừng lại tại đây. Mặc dù các điều khoản “quy tắc” trong thỏa thuận đang được thực thi một cách trung thực, nhưng chắc chắn Trung Quôc sẽ cảm thấy khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ bao gồm hàng xuất khẩu, nông sản, năng lượng và dịch vụ trên mức hồi năm 2017 trong vòng 2 năm tới. Ngay cả trong các trường hợp tốt nhất, việc đạt được các mục tiêu này dường như vẫn cần sự “cố gắng hết sức.”
Trong bối cảnh tác động kinh tế của virus SAR-CoV-2 đang ngày càng bộc lộ rõ, điều được coi là sự “cố gắng hết sức” giờ đây đang ngày một quá tầm với.
Trong bối cảnh các nhà máy Trung Quốc đóng cửa hoặc hoạt động dưới công suất, các chuyến bay bị hủy bỏ, các cảng biển đình trệ, sức tiêu thụ suy yếu và nhiều công nhân không thể đến nơi làm việc, việc mua hàng chục tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong năm 2020 có thể không khả thi.
Đó là chưa nhắc tới tác động kinh tế của COVID-19 với Mỹ một khi dịch bệnh này trở nên nghiêm trọng hơn tại đây. Hiện vẫn chưa rõ liệu các công ty Mỹ có thể cung cấp cho Trung Quốc các sản phẩm và dịch vụ theo số lượng trong thỏa thuận hay không nếu các công nhân Mỹ phải ở nhà và các nhà máy và trang trại không hoạt động đủ công suất.
Sau cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài, có thể hiểu được rằng chính quyền Mỹ đang rất quan tâm đến việc thúc đẩy thỏa thuận. Tuy nhiên, việc đưa ra những kỳ vọng phi thực tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu không thể mang lại lợi ích gì.
Hoài nghi giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gia tăng và nó sẽ khiến thế giới đặt câu hỏi rằng liệu xung đột thương mại song phương có quay trở lại trong năm nay hay không, vào thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang ngày một trở nên mong manh.
Mỹ và Trung Quốc nên vượt lên phía trước và phát đi thông điệp với thế giới rằng họ sẽ hợp tác cùng nhau để cân nhắc lại các kỳ vọng trong việc thực thi. Cụ thể, họ nên tiến hành tham vấn theo Điều khoản 7.6.2 của thỏa thuận, trong đó kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán “trong trường hợp xảy ra thảm họa tự nhiên hay một sự kiện bất ngờ ngoài tầm kiểm soát của các bên, làm cản trở một bên thực thi đúng thời hạn các yêu cầu trong thỏa thuận này." Virus SAR-CoV-2 rõ ràng phù hợp với tiêu chí này.
Sau các cuộc đàm phán này, hai bên có thể đưa ra một tuyên bố chung thừa nhận rằng các diễn biến bất ngờ hiện nay có thể ngăn chặn việc thực thi thỏa thuận đúng thời hạn và rằng họ sẽ giữ liên lạc chặt chẽ tùy thuộc theo diễn biến tình hình. Hai bên có thể “mạnh mẽ” gia hạn khung thời gian thêm sáu tháng, đến ngày 30/6/2022, để đạt được các mục tiêu thu mua sản phẩm.
Đề xuất cuối cùng liên quan đến biện pháp thuế quan, đó là mặc dù một số người ủng hộ Mỹ và Trung Quốc rút lại các kế hoạch tăng thuế để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin trước đó nói rõ rằng Mỹ không “cân nhắc việc đó ở thời điểm hiện nay."
Tuy nhiên, mọi việc sẽ hợp lý hơn nếu hai bên thu hẹp mục tiêu áp thuế. Mỗi quốc gia có thể ưu tiên cho các sản phẩm mà việc miễn tăng thuế sẽ giúp đưa chúng tới tay những người dân đang vật lộn với ảnh hưởng của virus, như các sản phẩm y tế hay khử trùng, cũng như các sản phẩm sẽ giúp công nhân và các công ty vượt qua các tác động trong thời gian này.
Các biện pháp giảm nhẹ nên đặc biệt hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đang gặp tổn thất lớn tại Trung Quốc và có thể gây ảnh hưởng kinh tế tại Mỹ khi virus lan rộng./.