Dịch COVID-19 để lộ mối liên kết ''không chắc chắn'' trong EU

Việc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đơn phương hành động chống dịch COVID-19 đã để lộ mối liên kết “không chắc chắn” trong liên minh này.
Dịch COVID-19 để lộ mối liên kết ''không chắc chắn'' trong EU ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xảy ra ở châu Âu, các cơ chế của Liên minh châu Âu (EU) đã không đồng bộ với phản ứng của các quốc gia thành viên trước thảm họa.

Việc các quốc gia thành viên đơn phương hành động đã để lộ mối liên kết “không chắc chắn” trong liên minh.

Về vấn đề y tế, rõ ràng EU không có một chính sách y tế chung của cả khối bởi vấn đề y tế nằm trong khả năng quốc gia của các quốc gia thành viên. Dịch COVID-19 trước khi xuất hiện trên diện rộng và trở thành tâm dịch ở châu Âu đã bùng phát mạnh ở Italy, Pháp và Đức.

[Lãnh đạo EU sẽ họp trực tuyến lần 3 thảo luận về tác động của COVID-19]

Trước mối đe dọa của dịch bệnh và cũng để phòng ngừa một cuộc khủng hoảng y tế tiềm tàng, nhiều quốc gia thành viên đã đơn phương thực hiện các biện pháp của riêng mình.

Đặc biệt, việc Pháp và Đức, hai thành viên sáng lập của EU đơn phương ra lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế sang các nước EU khác được xem là vi phạm các quy tắc của một thị trường duy nhất.

Về vấn đề biên giới, trong những ngày ngày gần đây, các biên giới từng được xóa bỏ theo Công ước Schengen ký năm 1985 đã xuất hiện trở lại trong liên minh.

Dịch COVID-19 để lộ mối liên kết ''không chắc chắn'' trong EU ảnh 2Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Lombardy, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đài RFI, Italy không để bất kỳ phương tiện nào vào nước này này nếu không có lý do xác đáng, Đức kiểm tra dịch tễ ở biên giới với Pháp, Slovenia và Hungary kiểm tra tất cả những người đến từ Italy, trong khi Áo ngừng mọi chuyến bay đến Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và Pháp...

Bên cạnh đó, một số nước còn thậm chí đóng cửa biên giới, như Czech cấm nhập cảnh đối với tất cả những người đến từ 15 nước EU, trong khi Slovakia cấm tất cả thành viên EU trừ người Ba Lan.

Như vậy, rất nhiều biện pháp liên tục được áp dụng ngay trong nội bộ EU. Đây thực sự là một vấn đề nhạy cảm khi mỗi quốc gia đều đã giành lại quyền kiểm soát biên giới của mình bằng cách tạm thời đóng cửa đối với các công dân ngoài EU vì vấn đề y tế.

Về vấn đề kinh tế, sự phối hợp của châu Âu bị giới hạn nghiêm ngặt. Chính sách tiền tệ, được điều hành bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đang hoạt động không được tốt, ngay cả khi tổ chức do bà Christine Lagarde đứng đầu hiện nay được cho là không được "rủng rỉnh" để đối phó với một cuộc khủng hoảng mới.

Châu Âu thực sự đang thiếu ngân sách để đối phó với khủng hoảng y tế hiện nay. Thực tế cho thấy, trong khi Mỹ đang chuẩn bị bỏ phiếu cho kế hoạch trị giá 850 tỷ USD thì EU ở giai đoạn này mới chỉ đưa gói 37 tỷ euro (40,36 tỷ USD) lên bàn đàm phán. Do đó, sự hồi sinh của châu Âu sẽ chỉ được thực hiện theo thứ tự phân tán ở cấp độ của mỗi quốc gia thành viên.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế khu vực, cho đến nay, tất cả các nỗ lực để mang lại chính sách kinh tế trên quy mô châu Âu đã thất bại. Điều này hoàn toàn không đáng ngạc nhiên bởi ngân sách EU chỉ chiếm hơn 1% tài sản của các quốc gia thành viên.

Không tăng cường hội nhập ngân sách, không đẩy nhanh việc thực hiện liên minh ngân hàng và hội tụ thị trường vốn, mỗi quốc gia trong EU được khuyến khích tiếp tục hành động theo lợi ích riêng của mình mà không phải lo lắng về các vấn đề của các nước thành viên khác.

Điển hình như từ nhiều năm qua, Pháp đã không thể thuyết phục được Đức đồng lòng củng cố chính sách kinh tế quy mô châu Âu do Đức không coi thặng dư ngân sách của mình nhằm phục vụ các quốc gia thành viên khác.

Một ví dụ khác về sự thiếu liên kết trong EU là mới đây Ủy ban châu Âu (EC) thông báo xem xét kích hoạt “điều khoản đình chỉ chung” vốn được hình thành từ giai đoạn đỉnh của cuộc khủng hoảng nợ công Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) năm 2011 trước nguy cơ suy thoái kinh tế do dịch COVID-19.

Như vậy, các quốc gia EU sẽ được giải phóng khỏi mọi ràng buộc về ngân sách - điều đã xảy ra ít nhiều trong trường hợp hiện nay.

Vậy châu Âu sẽ phải làm gì tiếp theo để đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay? Liệu 27 quốc gia thành viên có tìm được tiếng nói chung trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế đang lan ra khắp châu Âu? Câu trả lời có lẽ sẽ được xem xét và cân nhắc trong kỳ họp trực tuyến dự kiến diễn ra từ ngày 26-27/3 tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.