Ngành du lịch Malaysia đang có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, việc Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin công bố lệnh giới hạn đi lại giai đoạn phục hồi (RMCO) đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của du lịch nội địa mà minh chứng rõ ràng là tỷ lệ đặt phòng khách sạn gia tăng nhanh chóng.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch Langkawi, hòn đảo du lịch nổi tiếng và là trung tâm bán hàng miễn thuế lớn nhất Malaysia, ông Zainuddin Kadir cho biết, chỉ trong vòng 45 phút (từ 16-16 giờ 45 ngày 5/6) đã có tổng cộng 1.000 yêu cầu đặt phòng tại các khách sạn trên đảo này.
Theo ông, đây là mức kỷ lục và tất cả các yêu cầu đặt phòng đều là khách nội địa.
Mục tiêu mà Hiệp hội Du lịch Langkawi đặt ra là thu hút 1 triệu du khách trong thời gian từ ngày 19/6 tới hết năm 2020.
Đầu tháng Năm vừa qua, Hiệp hội Khách sạn Malaysia (MAH) đã có văn bản hướng dẫn các khách sạn hoạt động trong tình hình mới sau dịch COVID-19 và sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ du khách.
MAH đã phối hợp với các khách sạn để tiến hành xây dựng quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) nhằm đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn tối đa sự lây lan của dịch bệnh.
Các khách sạn tại Malaysia đã chủ động đưa ra các gói khuyến mại phục vụ du khách và bắt đầu ghi nhận số lượng đặt phòng tăng trở lại, nhất là cho quý 3 và quý 4/2020.
Dịch COVID-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch của quốc gia Đông Nam Á.
Là quốc gia chủ nhà năm APEC 2020, Malaysia đã đề ra chương trình “Tới thăm Malaysia 2020” (Visit Malaysia 2020) với mục tiêu thu hút 30 triệu du khách quốc tế và doanh thu du lịch đạt 100 tỷ ringgit Malaysia, tập trung vào du lịch sinh thái, nghệ thuật và văn hóa.
Với việc áp dụng RMCO, Chính phủ Malaysia hướng tới thúc đẩy du lịch nội địa nhằm phục hồi kinh tế, hạn chế và khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, nhật báo Khmer Times ngày 8/6 đưa tin Bộ Du lịch Campuchia thông báo sẽ áp dụng một bộ quy tắc thực hiện các biện pháp an toàn đối với các doanh nghiệp vận tải đường bộ và đường thủy nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến Campuchia.
[Campuchia có thể mất khoảng 3 tỷ USD từ du lịch do dịch COVID-19]
Các biện pháp sẽ được thực hiện ngay khi có thông báo chỉ đạo.
Cụ thể, các nhà cung cấp tour du lịch được khuyến cáo trang bị các thiết bị vệ sinh tại bãi đỗ xe, bên trong các phương tiện vận tải để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Điều kiện an toàn và vệ sinh theo yêu cầu của Bộ Du lịch Campuchia bao gồm một số biện pháp như thường xuyên vệ sinh ghế ngồi, quầy bán vé và khu vực bên trong các phương tiện, tàu, thuyền..., nhất là những nơi tiếp xúc nhiều người như quầy bán vé phải có cồn hoặc gel khử trùng.
Các biện pháp cũng bao gồm tiến hành phun thuốc khử trùng hành lý, niêm phong khu vực chỗ ngồi, duy trì khoảng cách an toàn cho hành khách ít nhất 1,5 mét, thực hiện đo thân nhiệt và phun cồn khử trùng xung quanh khách du lịch và hành khách trước khi vào xe.
Đối với lái xe và nhân viên du lịch, phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay, tăng cường phổ biến các hướng dẫn phòng ngừa COVID-19 của Bộ Y tế cho nhân viên và lái xe, đồng thời phải có ít nhất hai áp phích hướng dẫn phòng dịch trên phương tiện vận tải.
Về tiêu chuẩn, nhân viên kinh doanh, du lịch, khách sạn và hướng dẫn viên phải được đào tạo hoặc đánh giá khả năng thông qua chương trình phát triển năng lực chuyên ngành du lịch của Bộ Du lịch để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.
Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon khẳng định “các biện pháp an toàn là nghĩa vụ và điều kiện bắt buộc khi các doanh nghiệp xin gia hạn giấy phép kinh doanh du lịch.
Các doanh nghiệp không tuân thủ hoặc thực hiện sai các hướng dẫn sẽ lập tức bị đình chỉ giấy phép theo Điều 44 của Luật Du lịch”./.