Dịch COVID-19: Hà Nội nới lỏng hoạt động - Niềm vui kèm nỗi lo

Thành phố Hà Nội đã cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ ăn uống, hoạt động thể thao ngoài trời, nhưng trái với kỳ vọng của nhiều chủ cửa hàng, lượng khách đến quán vẫn khá thưa thớt.
Các cửa hàng cắt tóc mỗi lượt chỉ nhận từ 1 đến 2 khách, để đảm bảo việc giãn cách phòng dịch COVID-19. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Thành phố Hà Nội đã cho phép mở cửa trở lại một số dịch vụ ăn uống, cắt tóc, gội đầu, hoạt động golf, thể thao ngoài trời.

Điều này đã giải tỏa áp lực cho các chủ cửa hàng kinh doanh, dịch vụ… bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng ngang như nỗi lo dịch bệnh. Trên các tuyến phố, hàng quán mở cửa hoạt động trở lại, nhưng bên cạnh niềm vui cũng còn lắm nỗi lo.

“Em kinh doanh mấy quán bia xung quanh khu HH Linh Đàm, nhưng nay phải đóng cửa để phòng dịch COVID-19 nên chuyển sang chạy Grab kiếm thêm cầm cự chờ mở cửa trở lại,” anh V.T., một thanh niên 8X có 4 con kiếm sống bằng nghề kinh doanh quán bia tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai chia sẻ trong khi chở khách.

Không chỉ có anh V.T. mà rất nhiều chủ kinh doanh, buôn bán, dịch vụ trên địa bàn Hà Nội cũng đều chung nỗi niềm như vậy khi phải đóng cửa hàng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chủ một quán cơm ở khu HH Linh Đàm cho biết thời gian phải đóng cửa hàng để phòng dịch COVID-19, cửa hàng vẫn cung cấp suất ăn cho khách mang về, doanh thu sụt giảm nhưng vẫn phải duy trì để trả tiền thuê mặt bằng và giữ chân nhân viên. Nay thành phố cho phép hoạt động trở lại cửa hàng như “trút” được gánh nặng.

Là khu đô thị đông dân bậc nhất Thủ đô, các cửa hàng dịch vụ ăn uống ở đây đa phần là các kiốt ở tầng 1 được người dân mua hoặc thuê làm nơi bán hàng ăn, càphê, giải khát.

Trong các gian hàng đa số là không có vách ngăn, hầu hết người bán hàng ở đây đều đeo khẩu trang và găng tay khi chế biến thức ăn cho khách.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Minh Trang, quê Thanh Hóa, vẫn không giấu được lo lắng. “Ở đây tập trung dân tứ xứ, trong khi dịch bệnh ở nhiều tỉnh, thành vẫn hết sức phức tạp, gia đình tôi xuống đây ăn uống nhưng không khỏi lo lắng. Việc thành phố chỉ cho phép mở của đến trước 21 giờ theo tôi là hợp lý để giảm bớt lượng khách trong mùa dịch,” chị Nguyễn Minh Trang chia sẻ.

Trong khu đô thị Linh Đàm có rất nhiều nhà hàng, quán bia, càphê, giải khát, trước đây vào giờ cao điểm buổi trưa và chiều tối, những nơi này rất hút khách. Nhưng từ khi dịch COVID-19 và sau khi thành phố nới lỏng hoạt động, cho phép các nhà hàng, quán bia, càphê hoạt động trở lại, lượng khách đến đây vắng hẳn. Có những cửa hàng, quán càphê tên tuổi đã trả mặt bằng, dừng hoạt động.

Trái với kỳ vọng của các chủ cửa hàng trong ngày hoạt động trở lại, lượng khách đến quán không đông như trước. Phố Tạ Hiện vốn được xem là khu phố Tây duy nhất ở Thủ đô, là thiên đường giải trí về đêm nổi tiếng với món bia đặc trưng và các món ăn vặt. Nhưng giờ đây đến chiều muộn, một số cửa hàng mở cửa thì cũng chỉ lác đác khách tới ăn uống.

[Hà Nội cho phép mở lại một số hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời]

Tại khu vực ăn uống-Trung tâm thương mại Royal City, nhiều cửa hàng duy trì lượng khách tương đối ổn định. Các nhà hàng xếp bàn, ghế giãn cách hoặc lắp tấm chắn để phòng dịch COVID-19.

Sau khi thành phố cho phép hoạt động trở lại các hoạt động golf, thể thao ngoài trời, các bể bơi ở Hà Nội mở cửa hoạt động trở lại nhưng vẫn khá vắng khách. Trước khi vào bể bơi, khách đến đây đều tuân thủ các yêu cầu của nhân viên bể bơi về kiểm tra thân nhiệt và rửa tay bằng chất sát khuẩn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội kiên trì thực hiện “mục tiêu kép,” trong đó, nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất hàng đầu là phòng, chống dịch COVID-19, đi đôi với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà thành phố đặt ra trong năm 2021.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề cho phép mở cửa lại một số dịch vụ từ 0 giờ ngày 22/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy đã giao Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo xem xét, quyết định thận trọng trên cơ sở thực tế, nới lỏng nhưng tuyệt đối không được lơi lỏng. Thành phố sẽ nới lỏng từng dịch vụ, dịch vụ nào thiết yếu, an toàn mở trước; vừa làm vừa đánh giá an toàn để mở thêm các dịch vụ khác.

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt khu vực phía nam, Thành phố Hồ Chí Minh có 469 khu vực bị phong tỏa vì dịch COVID-19 (tính đến ngày 21/6), việc Hà Nội khống chế, kiểm soát thành công 16 chùm ca bệnh là kết quả đáng ghi nhận.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, đây là kết quả của sự đúc rút kinh nghiệm và nỗ lực vượt bậc, thành phố đã chủ động thực hiện phương châm "3 trước,” "4 tại chỗ,” phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly "3 lớp.” Nhờ đó, 16 chùm ca bệnh đã được khống chế và kiểm soát; 97/106 điểm phong toả đã được gỡ bỏ.

Nới lỏng hoạt động, giải quyết nỗi lo “cơm áo gạo tiền” cho người dân, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng, cho phép một số dịch vụ thiết yếu mở cửa trở lại, không ít người có tâm lý chủ quan, không tuân thủ triệt để “5K” trong phòng chống dịch.

Trả lời một số ý kiến thắc mắc về việc chỉ cho phép hàng quán mở cửa đến trước 21 giờ, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khổng Minh Tuấn cho biết Hà Nội chỉ cho phép hàng quán mở cửa đến trước 21 giờ và yêu cầu hàng quán không được đón khách quá đông, đảm bảo khoảng cách và vách ngăn giữa người với người..

Quy định này nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đang mùa bóng đá, dễ xảy ra hò hét sẽ không an toàn cho phòng chống dịch. Mặt khác, khi cho kinh doanh muộn, lực lượng công an, chính quyền, tổ COVID cộng đồng sẽ khó khăn hơn trong vấn đề kiểm soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định này.

“An toàn đến đâu, nới đến đó, tùy theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn chứ không thể vội vàng. Tới đây, khi giảm dần các nguy cơ về dịch COVID-19, việc nới lỏng có thể sẽ được thành phố xem xét thêm,” ông Khổng Minh Tuấn cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục