Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết bộ này đang phối hợp với ít nhất 4 nhóm nghiên cứu chế tạo máy thở, bao gồm nhóm thuộc Đại học Indonesia (UI); nhóm Đại học Yogyakarta và Đại học Gadjah Mada (UGM) phối hợp với công ty công nghệ Yogya, công ty PT STECHOQ; nhóm thuộc Học viện Công nghệ Bandung (ITB); và nhóm Viện Công nghệ (ITS).
Bộ Công nghiệp sẽ tạo điều kiện để các nhóm dễ dàng tiếp cận, sử dụng nguyên liệu và linh kiện để nhanh chóng sản xuất máy thở đạt tiêu chuẩn; sẽ phối hợp Bộ Y tế để cấp phép.
Theo Bộ trưởng Agus, hầu hết các nhóm này đang phát triển máy thở giá rẻ và sẽ bước vào giai đoạn sản xuất trong tháng 4. Riêng nhóm Đại học Yogyakarta sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 5 hoặc tháng 6.
[Airbus, Ford, Rolls-Royce cùng sản xuất 1.500 máy trợ thở mỗi tuần]
Sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Indonesia sẽ ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm sự phụ thuộc nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp đang khuyến khích sản xuất dược liệu thô từ thảo dược để cung cấp giá trị gia tăng cho ngành dược phẩm ở Indonesia, bằng cách tận dụng các thành phần thảo dược phong phú sẵn có trong nước.
Tính đến ngày 22/4, Indonesia đã xác nhận 7.418 ca mắc COVID-19, với 635 người tử vong và đã có 913 trường hợp được chữa khỏi./.