Dịch COVID-19: Khó khăn là dịp để doanh nghiệp tìm hướng đi mới

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại huyện Đông Anh của Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Dịch COVID-19 đang tác động đến nhiều mặt đời sống, kinh tế; trong đó ảnh hưởng đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng.

Cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng rõ ràng nhất. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Anh Tuấn cho rằng, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi “rủi ro” luôn song hành cùng “cơ hội.”

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Anh Tuấn xung quanh nội dung này.

- Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, quý 1 vừa qua, doanh nghiệp thành lập mới chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của quý 1 giai đoạn từ 2015-2019. Ông nhận định gì về tình hình này?

Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: Với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 gây ra cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý 1 vừa qua có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Cụ thể, cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của quý 1 vừa qua giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%). Điều này cho thấy những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch COVID-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nước.  

Trong 2 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vẫn đang có chiều hướng tốt, cụ thể: số doanh nghiệp thành lập mới tăng 9,1% và về số vốn đăng ký, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tháng Ba vừa qua đã làm ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong tháng Ba vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ là 12.272 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 131.374 tỷ đồng, giảm 1,6% về số doanh nghiệp và chỉ tăng 2,5% về số vốn so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Nếu so sánh với tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của tháng 3/2019 so với cùng kỳ năm trước đó (tăng đến 54,3% về số doanh nghiệp và 57,9% về số vốn đăng ký), có thể thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này đã bị ảnh hưởng đáng kể.

[Tiếp sức cho doanh nghiệp từ chính sách giãn thuế và tiền thuê đất]

Tâm lý của các nhà đầu tư chịu tác động lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều người tỏ ra e ngại và thận trọng trong việc bỏ vốn thành lập doanh nghiệp do lo lắng về việc phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ đầu ra của sản phẩm. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

- Thưa ông, trong quý 1 vừa qua, trong số những doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, những doanh nghiệp thuộc ngành, nghề nào bị ảnh hưởng lớn nhất? Điều này có ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh cả nước?

Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: Trong quý 1 vừa qua, có 6 ngành số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019; trong đó giảm mạnh nhất các ngành: nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 22,5%; hoạt động dịch vụ khác giảm 12,2% và kinh doanh bất động sản giảm 11,9%. Đây là những ngành đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Về tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, theo dữ liệu lịch sử thì tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của quý 1 hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 không có sự đột biến với mức trung bình khoảng 20%.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn quý 1 vừa qua lại tăng 26% với cùng kỳ năm 2019 với 18.596 doanh nghiệp. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong quý 1 giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

Với nền kinh tế đang hội nhập quốc tế sâu rộng, có độ mở lớn và liên kết chặt chẽ về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động..., như các nước, Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng toàn diện tới nền kinh tế, cùng lúc chịu tác động kép, cả từ phía cung và cầu, tác động đến tất cả các thị trường đầu ra và thị trường đầu vào chủ lực, cả sản xuất và tiêu dùng; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng rõ ràng nhất.

- Dự báo trong quý 2 này, doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục khó khăn khi dịch COVID-19 chưa được khống chế, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh có kiến nghị giải pháp gì để hoạt động đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi?

Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: Theo dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không được khống chế kịp thời sẽ gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam nói chung và tình hình phát triển doanh nghiệp nói riêng.

Các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí... sẽ khó có thể thu hút được các doanh nghiệp mới trong khi các doanh nghiệp đang vận hành cũng đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động do chi phí duy trì lớn.

Tuy nhiên, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn, bởi rủi ro luôn song hành cùng cơ hội. Sau khi dập tắt được dịch bệnh, các doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ “đóng băng” sang nắm bắt ngay những thời cơ mới để phát triển.

Công ty TNHH An Phú, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên có hơn 100 công nhân chuyên thiết kế, gia công in trên các sản phẩm may mặc đã hoạt động cầm chừng, một nửa dây chuyền ngừng hoạt động, công nhân làm việc cách nhật để duy trì cuộc sống. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp hiện nay và sau khi dịch COVID-19 được khống chế, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã và đang thực hiện một số giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.

Theo đó, Cục đã chỉ đạo các Phòng Đăng ký kinh doanh công khai, chia sẻ minh bạch, kịp thời các thông tin chính thống, các chính sách hỗ trợ liên quan đến dịch bệnh để người dân, doanh nghiệp không bất an, đồng thời tin tưởng vào sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ.

Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến để người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tránh sự lây lan của dịch bệnh, tăng cường các hình thức hỗ trợ, hướng dẫn qua điện thoại, email....

Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng đã được nâng cấp để đảm bảo đăng ký doanh nghiệp trên toàn quốc không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ Luật Doanh nghiệp sửa đổi, và Luật này sẽ được lấy ý kiến, thông qua Quốc hội tại kỳ họp tới. Theo ông, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi gì cho doanh nghiệp; đặc biệt là trong hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp mới?

Cục trưởng Bùi Anh Tuấn: Có thể nói, Luật Doanh nghiệp 2014 đã kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách tại các Luật Doanh nghiệp 1999, 2005 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế theo quy định của Hiến pháp.

Cơ chế quản lý của cơ quan Nhà nước được chuyển hoàn toàn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhờ bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ngay từ khâu gia nhập thị trường.

Từ khi có hiệu lực thi hành, Luật Doanh nghiệp 2014 đã có những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.

Năm 2019, cả nước có 138.139 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 1.730.173 tỷ đồng. So với năm 2014 (trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực), số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,85 lần (so với 74.842 doanh nghiệp năm 2014) và số vốn đăng ký thành lập mới tăng gấp 4 lần (so với 432.286 tỷ đồng năm 2014).

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2014 không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung cần được sửa đổi để phù hợp với các luật mới ban hành gần đây. Do đó, yêu cầu sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết.

Xin cám ơn Ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục