Dịch COVID-19: Ngăn chặn nguồn lây bệnh từ dịch vụ vận tải

Hiện, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các bến xe và nhà xe đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kể cả giảm tần suất, chuyến lượt chạy xe.
Các bến xe cử người nhắc người dân đeo khẩu trang khi vào bến. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Dịch COVID-19 đã tác động mạnh lên lĩnh vực vận tải và điều này có thể dễ dàng nhận thấy tại các bến xe, lượng xe, lượng khách sụt giảm đáng kể.

Hiện, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các bến xe và nhà xe đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kể cả giảm tần suất, chuyến lượt chạy xe.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, bày tỏ người tứ xứ đến bến xe, nguy cơ dịch bệnh luôn cận kề, do đó bến xe, nhà xe phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, yêu cầu lái, phụ xe và hành khách phải tuân thủ quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn tay, khai báo y tế, giãn cách.

[Hai tuyến buýt Hà Nội-Bắc Ninh thay đổi lộ trình chạy vì dịch COVID-19]

Ông Nguyễn Tất Thành cho biết thêm những ngày này, sản lượng xe tại bến chỉ còn 500 lượt xe/ngày, trong khi bình thường trước đó khi không có dịch từ 750-800 lượt xe/ngày.

Các tuyến buýt chạy qua Bến Giáp Bát, lượng hành khách cũng sụt giảm đáng kể do hành khách lo ngại dịch bệnh.

Để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh, bến xe tăng cường tuyên truyền; giám sát việc chấp hành quy định phòng dịch của nhà xe và hành khách trong khu vực bến xe; yêu cầu nhà xe phải khai báo y tế mới được xuất bến.

Tại Bến xe Mỹ Đình, việc phòng dịch được thực hiện nghiêm túc. Tất cả các phương tiện đều được dán mã QR Code, hành khách phải khai báo y tế mới được lên xe...

Các bến xe tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan từ các ổn dịch, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai các biện pháp ngăn chặn nguồn lây.

Phó Giám đốc Sở Giáo thông Vận tải Đào Việt Long cho biết Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải của 9 tỉnh dừng hoạt động của tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đến Hà Nội gồm Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu, Nam Định và Tuyên Quang. Đồng thời, điều chỉnh hành trình 2 tuyến buýt đi đến Bắc Ninh, khu vực giáp ranh của thành phố Hà Nội.

Cùng đó, đơn vị phối hợp với 3 Sở Giao thông Vận tải của 3 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Hà Nam, Yên Bái xác định truy vết các đối tượng liên quan để truy vết; phối hợp với 7 tỉnh giảm tần suất 50% hoạt động của các tuyến vận tải cố định gồm Điện Biên, Hà Tĩnh, Hải Dương, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa và Đà Nẵng; dừng hoạt động trên 3 tuyến buýt kế cận gồm Bắc Ninh, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.

Thực hiện Công điện 07/CĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 12/5 của Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải có xe vận chuyển, đưa đón chuyên gia và các công nhân đi, đến các khu công nghiệp, chế xuất ở Bắc Ninh, Thái Nguyên..., thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến đi.

Ông Đào Việt Long cũng cho biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã duy trì 7 tổ công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm 2020; duy trì 62 điểm chốt trực phân luồng giao thông và xây dựng kế hoạch chuyên đề phối hợp với các cơ quan, Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra các doanh nghiệp vận tải.

Đầu năm 2021 đã kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn phòng dịch trên 20.000 lượt phương tiện vận tải hành khách, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 185 doanh nghiệp vận tải, đồng thời tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch tại các bến xe để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tại cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bến xe Mỹ Đình dịp nghỉ lễ 30/5-1/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã nêu rõ nguy cơ dịch bệnh từ lượng người các tỉnh đổ về các bến xe, đồng thời yêu cầu các bến xe trong dịp này phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố, phải đảm bảo giãn cách, phân luồng, thực hiện nghiêm khai báo y tế; phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện ho, sốt.

Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo cho các tỉnh, thành phố trong cả nước để thống nhất chỉ đạo triển khai hướng dẫn việc áp dụng các quy định trong việc xử lý nghiêm các vi phạm về công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố; trong đó, với việc quản lý các phương tiện vận chuyển hành khách, cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh với thành phố khi tình hình dịch bệnh có diễn biến tiếp tục phức tạp.

Hà Nội cũng đề nghị yêu cầu người dân khi di chuyển từ các tỉnh, thành phố có dịch đến tỉnh, thành phố khác và ngược lại phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế trước mỗi chuyến đi, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương có liên quan.../.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục