Dịch COVID-19 sáng 31/10: Gần 45,9 triệu ca mắc trên toàn thế giới

Tính đến 8 giờ ngày 31/10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 45.892.178 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.193.214 ca tử vong, số ca bình phục là 33.243.069 ca.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lviv, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 31/10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 45.892.178 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.193.214 ca tử vong. Số ca bình phục hiện là 33.243.069 ca.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 235.156 ca tử vong trong tổng số 9.316.205 ca mắc.

Ngày 30/10, Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao kỷ lục. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận hơn 94.125 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, sau khi ghi nhận hơn 91.000 ca một ngày trước đó.

[Mỹ đạt kỷ lục số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong vòng 24 giờ]

Tiếp theo là Ấn Độ với 121.681 ca tử vong trên 8.136.166 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 159.562 ca tử vong trong số 5.519.528 bệnh nhân.

Xét theo khu vực, châu Á là khu vực chịu tác động nặng nề nhất với hơn 13,5 triệu ca nhiễm, trong đó 241.541 ca tử vong. Sau đó là khu vực Bắc Mỹ với hơn 11,1 triệu ca nhiễm, trong đó 350.962 ca tử vong. Tiếp sau là châu Âu với hơn 9,7 triệu ca nhiễm, trong đó 263.090 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp tại châu Âu, trong đó Bỉ hiện là quốc gia có mức độ lây nhiễm cao hàng đầu thế giới.

Ngày 30/10 Bỉ ghi nhận tổng cộng 6.187 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, trong đó có 1.057 người bệnh nguy kịch phải chăm sóc đặc biệt.

Trong tuần trước, Bỉ đã ghi nhận mức lây nhiễm kỷ lục với trên 100.000 ca nhiễm mới (trung bình hơn 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày).

Trước tình hình này, Bỉ đã quyết định thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc trong vòng 6 tuần, từ ngày 2/11 tới.

Trong bối cảnh các nước châu Âu phải áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng chính phủ các nước trong khu vực cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án đóng cửa nền kinh tế để chống dịch, đồng thời cần tiếp tục chi ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục