"Yêu bản thân, yêu gia đình, yêu nhân loại, có trách nhiệm với mảnh đất yêu thương đã cưu mang đùm bọc cho mình bấy lâu nay. Đây là cơ hội chúng ta tri ân nước Đức, tạo hình ảnh đẹp về người Việt Nam trên quê hương thứ hai," những dòng tâm sự của bà Trịnh Thị Mùi, một người Việt ở Đức, dường như đã nói lên biết bao tình cảm chất chứa trong lòng cộng đồng người Việt tại mảnh đất châu Âu này.
Khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, bên cạnh chung tay tương trợ lẫn nhau, cộng đồng người Việt tại Đức cũng tích cực hỗ trợ chính quyền sở tại trong cuộc chiến đẩy lui dịch bệnh.
Có thể nói chỉ trong chưa đầy một tháng, đúng hơn là chỉ trong 3 tuần qua, cộng đồng người Việt ở Đức đã làm được một khối lượng công việc rất lớn mà chưa một sự kiện cụ thể nào trong những năm gần đây lại giành được sự quan tâm, ủng hộ và đồng lòng đến như vậy của bà con.
Nằm trong số 5 quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới, Đức đang phải gồng mình để ứng phó với tình trạng dịch bệnh ngày một nghiêm trọng.
Thời điểm ngày 8/3, khi Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn kêu gọi chính quyền các bang trên toàn nước Đức hủy mọi sự kiện có trên 1.000 người tham dự, quốc gia này mới ghi nhận tròn 900 trường hợp mắc COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong.
Đến nay, chỉ 3 tuần sau, thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết con số này đã tăng lên trên 66.000 ca với hơn 600 ca tử vong.
Có lẽ, người ta cũng không thể lường hết được tốc độ lây lan chóng mặt của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nên các biện pháp ứng phó của Đức ban đầu chưa quyết liệt ngay mà được ban bố từ từ theo từng cấp độ tăng dần, từ phạm vi đến đối tượng áp dụng.
[COVID-19: ĐSQ Việt Nam tại Đức liên hệ chặt chẽ cộng đồng người Việt]
Trước hết phải nói rằng các quyết định liên quan tới chống dịch được Chính phủ Đức ban hành đến nay đã nhận được sự ủng hộ của gần như tuyệt đại đa số (88% - theo kết quả thăm dò của kênh ZDF ngày 30/3) người dân ở Đức.
Tuy nhiên, biện pháp đóng cửa mọi cơ sở, dịch vụ không thiết yếu trong nỗ lực làm chậm và phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 cũng đã làm thay đổi đáng kể đời sống xã hội-kinh tế-văn hóa ở Đức.
Cũng giống như người bản xứ và cộng đồng người nước ngoài khác ở Đức, cộng đồng người Việt đã và đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay.
Thực tế, một bộ phận tương đối lớn bà con người Việt ở Đức làm ăn buôn bán với quy mô lớn nhỏ khác nhau, nên dịch bệnh hiện nay đã tác động trực tiếp tới cuộc sống của nhiều người. Trừ các cửa hàng thực phẩm, còn lại các nhà hàng, văn phòng, các cơ sở, dịch vụ... đều phải đóng cửa.
Để bù đắp một phần thiệt hại cho các chủ doanh nghiệp và người lao động, chính quyền liên bang và các bang đã cung cấp những gói hỗ trợ cụ thể. Để những thông tin này đến được với bà con người Việt lại cần những nhà "thông ngôn" và lực lượng tư vấn miễn phí của cộng đồng.
Đó là những anh chị làm việc hoàn toàn thiện nguyện, chuyển tải các thông tin mới nhất của chính quyền Đức cả về dịch bệnh cũng như những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động.
Hầu như ngay khi có chính sách mới được ban hành, bà con lại nhận được ngay những thông tin "sốt dẻo" bằng tiếng Việt. Những dịch giả như anh Nguyễn Đức Thắng, Trương Hồng Quang... không tiếc công sức, ngày cũng như đêm, để kịp thời chuyển tải các thông tin cần thiết cho cộng đồng người Việt qua các bản dịch hay chương trình Podcast.
Từ đó, thông tin lại tiếp tục được lan truyền qua các trang facebook cá nhân và báo chí cộng đồng để tất cả bà con đều có thể đọc được.
Hai bạn trẻ trong cộng đồng người Việt là Bao Tram Thai và Hanh Nguyen-Schwanke đã cùng phát động phong trào #Hayonha (hãy ở nhà) nhằm kêu gọi cộng đồng người Việt ở Đức thực hiện hành động Ở NHÀ để góp phần chung tay chống dịch.
Chiến dịch qua trang web (https://www.hayonha-zuhausebleiben.de/) cung cấp những chia sẻ từ các chuyên gia y tế cũng như thông tin về tình hình dịch bệnh và các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Đức dành cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam tại Đức.
Cũng để san sẻ khó khăn với bà con kinh doanh, Trung tâm thương mại (TTTM) Thái Bình Dương của người Việt ở Berlin đã quyết định giảm 20% tiền thuê gian hàng cho các doanh nghiệp hoạt động ở trung tâm trong những tháng dịch bệnh, cũng như mua nước khử trùng phát cho bà con doanh nghiệp.
Trong khi đó, TTTM Đồng Xuân ở Berlin giảm 10% giá thuê gian hàng trong tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt, cũng có rất nhiều người thạo tiếng Đức đồng ý đưa số điện thoại cá nhân lên mạng để tự nguyện giúp đỡ bà con liên lạc với bệnh viện, bác sĩ hoặc cơ quan liên quan của Đức khi cần.
Trong số này, cũng có không ít người Việt tình nguyện giúp đỡ, hỗ trợ miễn phí cho người già, người ốm đau (cả người Việt và người Đức) mua lương thực, thực phẩm, thuốc men trong những ngày dịch hoành hành nhằm hạn chế cho nhóm dễ có nguy cơ bị lây nhiễm phải ra đường.
Hoạt động đang được triển khai tích cực nhất, thu hút sự quan tâm và chung tay của đông đảo người Việt ở Đức hiện nay có lẽ là phong trào quyên góp/mua/may khẩu trang, gồm cả khẩu trang y tế và khẩu trang thường, để trao tặng cho các bệnh viện, cơ sở y tế ở Đức.
Người góp tiền, người góp sức, các nhóm may khẩu trang của người Việt nhanh chóng mọc lên ở nhiều thành phố như Berlin, Cottbus, Magdeburg, Leipzig, Dresden, Schwerin... Họ đang tích cực, gấp rút may khẩu trang để tặng những cơ sở ở Đức hiện thiếu thốn nghiêm trọng thiết bị bảo hộ này.
Chỉ riêng ngày 30/3, nhóm CHUNGTAY ở Berlin đã tới nhiều cơ sở là các bệnh viện, nhà dưỡng lão và trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người già ở Berlin để trao tận tay những món quà kịp thời và đầy ý nghĩa gồm 5000 hộp khẩu trang y tế (do cộng đồng quyên góp), 12.000 bộ găng tay, 30 hộp khử trùng và 1.400 khẩu trang tự may; nhóm may khẩu trang ở thành phố Cottbus tặng cho một bệnh viện thành phố này 700 khẩu trang.
Ngoài ra, hai nhà hàng Thành Koch và Little Long của người Việt ở Berlin cũng chung tay cung cấp một số khẩu phần ăn cho các bác sỹ và y tá ở tuyến đầu.
Có thể nói hoạt động may khẩu trang của người Việt trao tặng các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe và bệnh viện ở Đức đang diễn ra rất sôi nổi và tạo thành phong trào mạnh mẽ của cộng đồng, làm người Đức hết sức cảm động.
Giống như những dòng tâm sự của bà Trịnh Thị Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị TTTM Thái Bình Dương, người cũng đã quyết định dành một số lượng lớn vải cùng 5.000 áo T.Shirt để dỡ và chuyển cho các nhóm may khẩu trang tặng các cơ sở Đức, rằng đây là cơ hội thể hiện "trách nhiệm với mảnh đất yêu thương đã cưu mang đùm bọc cho mình," ngay cả trong lúc khó khăn, dịch bệnh, những trái tim Việt ấy vẫn luôn hướng tới những gì tốt đẹp, những gì mà họ có thể làm được để chung tay cùng xã hội sở tại vượt qua thử thách, góp phần xây dựng hình ảnh người Việt thân thương, bao dung và biết sẻ chia nơi xứ người./.