Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 30/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 373.006.035 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.676.020 ca tử vong. Số ca hồi phục là 294.605.332 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 95.905 ca nhiễm mới và 631 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 75.481.122 ca mắc, trong đó 906.861 ca tử vong.
Tiếp đó là Ấn Độ với 41.087.817 ca mắc, trong đó 494.110 ca tử vong; Brazil với 25.247.477 ca mắc, trong đó 626.643 ca tử vong.
Các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 64.642 ca mắc COVID-19 và 236 ca tử vong trong ngày 29/1. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.517.152 ca, trong đó 313.617 người tử vong.
Ủy ban cấp cao về kiểm soát dịch COVID-19 của Ai Cập ngày 29/1 thông báo điều chỉnh phác đồ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, trong đó có quyết định đưa vào sử dụng một số loại thuốc mới đã được phê duyệt như Molnupiravir.
Thuốc Molnupiravir sẽ bắt đầu được sử dụng kể từ ngày 29/1 tại tất cả các bệnh viện cách ly. Đây là một phần của phác đồ điều trị mới và dành cho những người gặp vấn đề về suy giảm hệ miễn dịch, người già và bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính.
Hiện nay, Ai Cập có đủ nguyên liệu để sản xuất thuốc Molnupiravir, vốn được sử dụng cho các trường hợp mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ và trung bình.
Trước đó, Ủy ban cấp cao về kiểm soát dịch COVID-19 của Ai Cập đã 7 lần điều chỉnh phác đồ điều trị COVID-19. Phác đồ này sẽ được sửa đổi bất cứ khi nào cần thiết, như khi Ai Cập có loại thuốc điều trị mới hoặc xuất hiện biến thể mới.
[Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nga lần đầu vượt 100.000 ca]
Quốc gia Bắc Phi này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất liên quan đến tình trạng gia tăng số lượng ca bệnh mới, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lây lan và đột biến.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập đang có xu hướng tăng nhanh do biến thể mới, song những trường hợp phải nhập viện trong làn sóng lần này thấp hơn nhiều so với trước đây.
Theo số liệu mới nhất, Ai Cập đến nay đã ghi nhận tổng cộng hơn 419.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 22.522 người tử vong.
Tại Israel, dịch bệnh tiếp tục lây lan ở nước này. Số ca COVID-19 trong tình trạng nguy kịch tăng mạnh 946 ca, lên tổng số 1.010 người, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.
Bộ Y tế Israel ngày 29/1 cho biết nước này có 53.020 ca nhiễm mới trong một ngày, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.751.363 ca, trong đó 8.657 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 38 người không qua khỏi.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/1 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này, với 94.783 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 11.438.476 ca.
Nước này cũng có thêm 174 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ, đưa tổng số người không qua khỏi lên 87.045 người. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021 sau khi giới chức y tế nước này cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc).
Hiện, hơn 57,4 triệu người dân nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó 52,36 triệu người đã tiêm 2 liều. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm được 141,7 triệu liều vaccine, trong đó có tính cả liều tăng cường.
Ở châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico ngày 29/1 cho biết nước này ghi nhận 522 ca tử vong vì COVID-19 và 42.582 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 4.916.143 ca và 305.762 ca.
Tại châu Âu, Italy ngày 29/1 ghi nhận 137.147 ca mắc mới nâng tổng số ca bệnh trên cả nước kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 2/2020 lên 10,82 triệu ca nhiễm.
Italy cũng có thêm 377 ca tử vong trong 24 giờ, đưa tổng số người không qua khỏi lên 145.914 ca. Đây là số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ 2 ở châu Âu sau Anh (155.613 ca) và cao thứ 9 trên thế giới./.