Dịch COVID-19 thúc đẩy ngành công nghiệp robot của Hàn Quốc phát triển

Theo số liệu thống kê, doanh thu từ ngành công nghiệp robot của Hàn Quốc đã lên tới 5.300 tỷ won (4,6 tỷ USD) vào năm 2019, trong đó, robot công nghiệp chiếm 52,5%.
Dịch COVID-19 thúc đẩy ngành công nghiệp robot của Hàn Quốc phát triển ảnh 1Robot DAL-e đóng vai trò như một lễ tân hướng dẫn khách tham quan tại showroom của Hyundai. (Nguồn: zdnet.com)

Robot từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý và được xem như một động cơ tăng trưởng mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tại Hàn Quốc, robot đang tham gia ngày càng nhiều trong lĩnh vực đời sống hằng ngày trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài. 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số liệu thống kê được tờ The Korea Times số ra ngày 19/7 trích dẫn cho thấy hiện có khoảng 50% các loại robot đã được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất và cũng bắt đầu tham gia vào các lĩnh vực dịch vụ như giao hàng, nhà hàng, khách sạn và ngân hàng, thậm chí còn đảm nhiệm thêm vai trò là tài xế hay nhân viên cứu hộ.

Ông Park Il-woo, Giám đốc Viện Phát triển công nghiệp Robot Hàn Quốc (KIRIA), cho biết: "Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp trong nước ngày càng phát triển nhiều loại robot dịch vụ để giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Họ đang tận dụng xu hướng không tiếp xúc và nâng cao chất lượng dịch vụ với nhiều robot hơn."

Cho tới thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp chế tạo robot ở Hàn Quốc có thể được chia thành hai lĩnh vực: công nghiệp và sử dụng dịch vụ, trong đó robot công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Cũng theo KIRIA, Tập đoàn LG đang dẫn đầu các doanh nghiệp trong nước về phát triển công nghiệp robot khi cho ra đời một loạt các loại robot khác nhau.

Ngày 13/7 vừa qua, LG Electronics đã cho ra mắt một loại robot 4 bánh giao hàng mới có thể hoạt động cả ở trong nhà và ngoài trời.

[Độc đáo cửa hàng pizza ở Pháp chỉ toàn robot phục vụ]

Trong khi đó, Hyundai Motor cũng thông báo sẽ mua lại cổ phần kiểm soát trong Công ty robot Boston Dynamics có trụ sở tại Mỹ với giá 880 triệu USD nhằm tăng cường khả năng kinh doanh dịch vụ di chuyển trong tương lai của tập đoàn này ở Mỹ sử dụng công nghệ để phát triển các tính năng lái xe tự động và an toàn.

Ngay từ đầu năm nay, tập đoàn cũng đã giới thiệu loại robot dịch vụ khách hàng (DAL-e) ở phía Nam thủ đô Seoul.

Được trang bị các công nghệ mới nhất của tập đoàn, bao gồm AI, nhận dạng khuôn mặt và hệ thống giao tiếp tự động, robot DAL-e đóng vai trò như một lễ tân hướng dẫn khách tham quan tại showroom này.

Tương tự, Tập đoàn Viễn thông lớn nhất Hàn Quốc (KT) cũng đã xác định robot sẽ là động lực tăng trưởng mới. Năm 2020, KT đã đầu tư 50 tỷ won vào Hyundai Robotics, một bộ phận của Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai có thị phần lớn nhất trên thị trường robot công nghiệp ở Hàn Quốc.

Sau khi đầu tư, KT đã ra mắt dịch vụ "5G Smart Factory Industrial Robot," kết hợp mạng 5G, công nghệ điện toán đám mây và hệ thống tự động hóa của nhà máy thông minh. Đối với thị trường robot dịch vụ cá nhân, KT cũng dự kiến sẽ tung ra robot "thú cưng."

Theo số liệu của KIRIA công bố tháng 3/2021, doanh thu từ ngành công nghiệp robot của Hàn Quốc đã lên tới 5.300 tỷ won (4,6 tỷ USD) vào năm 2019, trong đó, robot công nghiệp chiếm 52,5% (2.940 tỷ won), tiếp đến là các bộ phận và phần mềm robot chiếm 34,8%, robot dịch vụ sử dụng cho doanh nghiệp chiếm 6,4% và robot dịch vụ cá nhân chiếm 6,3%. 

Trong khi đó, bộ phận theo dõi thị trường Strategy Analytics dự báo rằng giá trị của thị trường robot dịch vụ toàn cầu sẽ mở rộng từ 31 tỷ USD trong năm 2019 lên 122 tỷ USD vào năm 2024.

Các robot dịch vụ thực hiện các nhiệm vụ hữu ích không chỉ trong các cơ sở công nghiệp mà còn giúp làm công việc gia đình, hướng dẫn khách tại các cửa hàng, hỗ trợ người dân gửi tiền tại các ngân hàng và sắp xếp hàng hóa tại các cửa hàng bán lẻ...

Robot dịch vụ chuyên nghiệp được sử dụng cho các nhiệm vụ thương mại cụ thể do các chuyên gia vận hành, chẳng hạn như phẫu thuật và chữa cháy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục