Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại châu Âu

Áo ghi nhận 8.594 ca mắc mới COVID-19, tăng 32% so với ngày 3/11 và sắp tiến tới mức cao nhất là hơn 9.000 ca ghi nhận tháng 11/2020, khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa thứ 2.
Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại châu Âu ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/11, Croatia đã ghi nhận thêm 6.310 ca mắc mới COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. 

Đến nay, Croatia đã có 25.628 ca mắc COVID-19, trong khi 1.680 bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện. Hơn 50% dân số Croatia đã hoàn thành tiêm chủng. Theo các chuyên gia, tỉ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng trong những tuần gần đây ở nước này.

Cùng ngày, giới chức Slovenia - nước láng giềng của Croatia, thông báo có thêm 4.511 ca mắc mới, mức cao nhất tính theo ngày tại nước này. Hơn 50% dân số trong tổng số 2 triệu dân Slovenia đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. 

Trong khi đó, Áo cũng ghi nhận 8.594 ca mắc mới COVID-19, tăng 32% so với ngày 3/11 và sắp tiến tới mức cao nhất là hơn 9.000 ca ghi nhận tháng 11/2020, khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa thứ 2. 

Đến nay, khoảng 64% dân số Áo đã hoàn thành tiêm chủng. Tỉ lệ này ở mức trung bình trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

[WHO: Châu Âu lại trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới]

Trong khi đó ngày 4/11, Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã phê chuẩn sử dụng thuốc viên có tên molnupiravir, do hãng dược phẩm Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ phối hợp phát triển, để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Như vậy, Anh là nước đầu tiên phê chuẩn loại thuốc mang tính bước ngoặt trong điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

MHRA khuyến cáo thuốc molnupiravir được sử dụng ngay sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và trong vòng 5 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. 

Công ty dược phẩm Meck cho biết dự kiến sản xuất 10 triệu toa thuốc molnupiravir vào cuối năm nay và ít nhất 20 triệu toa trong năm 2022.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 3/11, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Italy (AIFA) đã “bật đèn xanh” với việc tiêm nhắc lại sau 6 tháng với những trường hợp đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson và sử dụng vaccine mRNA của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna.

Trong một thông báo, AIFA cho biết, dựa trên các dữ liệu khoa học, vaccine Johnson & Johnson có hiệu quả trong 6 tháng. Ủy ban Khoa học kỹ thuật của AIFA cho rằng: “Sự ổn định đáng kể của phản ứng miễn dịch lên đến 8 tháng sau khi tiêm vaccine một liều của Johnson & Johnson. Trong khi khả năng ngăn chặn bệnh diễn biến nặng, số ca nhập viện hay tử vong cũng ổn định trong ít nhất 6 tháng.

Bộ Y tế Italy đã thông qua đề xuất của AIFA và chỉ định tiêm tăng cường mũi thứ hai cho những trường hợp đã tiêm vaccine của hãng Johnson & Johnson sau 6 tháng bằng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc AIFA, Nicola Magrini cũng cho biết đang xem xét về khả năng tiêm liều nhắc lại với vaccine Sinovac và Sputnik, đây được coi là điều kiện thuận lợi để có thẻ xanh tại Italy.

Quyết định của AIFA được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tại Italy vẫn diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Nghiên cứu y tế Gimbe Foundation, trong thời gian từ 27/10-2/11, số ca mắc mới tại nước này tiếp tục gia tăng ở mức 16,6% và số ca nhập viện tăng 14,9%.

Trong khi tỷ lệ tiêm chủng tại Italy đang giảm mạnh khoảng 39,6%, hơn 2,7 triệu người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng phải nhập viện và hơn 1,3 triệu người trong độ tuổi 12-19 có nguy cơ mắc bệnh. Tổ chức trên khuyến cáo chính phủ đẩy nhanh nguồn cung vaccine mRNA và tốc độ tiêm liều thứ ba.

Tính đến ngày 3/11, khoảng 78,7% dân số Italy (tương đương hơn 46 triệu người) đã tiêm ít nhất 1 liều vaccin ngừa COVID-19 và 75,5% đã hoàn thành chu kỳ tiêm chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục